
Số nhựa ấy, đem về, đổ cả vào cái vại chứa lớn, túc tắc đem đốt dần, cũng “đỏ lửa” được vài tháng giời. Nhiều lúc có bát ăn bát để rồi, mệt bã bời, nhọ nhem ám khói mặt mày ra rồi, muốn nghỉ đốt lò vài hôm, nhưng mối hàng người ta kêu ồi ồi, thế là đành vơ lửa, các “nhà nấu mực” lại um xùm nhả khói… “Bao nhiêu anh đánh dậm bắt cua, nhờ viết mực của các cụ nhà tôi nấu, của tôi nấu, mà được trở thành ông ông Nghè ông Cống đấy, cháu nhỉ” – đôi khi, bà Mơ tự hào ra mặt. Miệng bỏm bẻm nhai trầu trong căn nhà cổ mát rượi, bà Mơ nói, chả ra mỉa mai, chả ra “thơm lây nhờ thoi mực” thật lòng. Tư Thế không có nhân lực đi bán mực Tàu lẻ, chỉ đổ buôn cho các đại lý khắp nơi.
“Nhiều lúc tôi nghĩ, nghề nấu mực nó là cái nghề, cũng là cái nghiệp. Cái nợ”, một nghệ nhân Tư Thế thở dài. Gánh nhựa thông từ Kinh kỳ, đi dọc xứ Kinh Bắc, về đến Tư Thế, bắt đầu pha trộn. Nhựa quánh, thơm, được khuấy đều lên với mùn cưa. Cái chất quánh rẻo ấy dùng để đốt, khi cháy, thơm lựng, khét mù, rồi khói của nó bám vào các dụng cụ hứng “muội khói” (bồ hóng). Bồ hóng là nguyên liệu chính để pha chế với keo da trâu bò mà thành mực Thánh. Mỗi công đoạn cháy, mỗi thứ bồ hóng hứng được, sẽ điều chế thành một thứ mực khác nhau, sử dụng trong những công việc khác nhau: như viết, vẽ, in ấn; vẽ ông Công ông Táo, vẽ quan Địa Phủ của Hàng Mã ở làng tranh Đông Hồ; làm thếp (dát quỳ) cho các làng nghề “sơn son thếp vàng” Đồng Kỵ.
Về nguyên tắc thì giản đơn như thế. Nhưng, ngào nhựa thông với trấu thế nào; tạo lò đốt ra sao để hứng được nhiều bồ hóng, mà lại là muội bồ hóng thứ thiệt; có nguyên liệu rồi, trộn với cao da trâu theo công thức nào để phơi phóng, cắt gọt thành khuôn thành cục như thoi mực thơm phục vụ người chữ nghĩa. Đó là bí quyết vô giá của người Tư Thế.

Vấn đề khó nhất là thiết kế lò nấu làm sao để “đón nhận” được tất cả những làn khói bay ra từ việc đốt nhựa thông + mùn cưa, đọng lại thành muội kia. Người Tư Thế đã vô cùng sáng tạo, khi thiết kế những cái nhà khum khum, chỉ cao ở một đầu (đầu còn lại vát như mái hầm, mái địa đạo) – trông như cái hồ lô rượu đặt nằm ngang ra đất – nhằm mục đích, khi đốt nhựa thông và mùn cưa, khói sẽ tụ ở phần phình ra của đáy hồ lô. Cái lò nấu mực chỉ rộng khoảng 12m2. Nó có hai tầng xếp và treo “thiết bị” nhằm đón khói: tầng thứ nhất là những cái nồi cánh cát, bằng đất nung, thắt ở miệng – cổ nồi, đáy nồi loe rộng ra, sao cho đáy ngoài của từng cái nồi hứng được nhiều khói – lửa nhất. Càng nhiều muội than (“tiền thân” của mực Tàu) bám vào đít nồi cánh cát thì càng tốt. Thường thì một lò có 8 cái nồi cánh cát như vậy xếp thành hàng dài. Cứ tiếp từng miếng nhỏ nhựa thông ngào với mùn cưa vào đốt, giữ ngọn lửa đều, không tẻ không đượm quá, bao giờ muội than bám đầy 8 cái đáy nồi cánh cát, bao giờ lớp muội than dày đủ 20cm (từ đáy nồi đến sát mặt đất, nơi mồi lửa để đun), thì tạm “ngừng hỏa”. Bà Mơ sẽ dùng một cái cót tre, lót xuống dưới nền đất rồi cạo toàn bộ 20cm muội than bám ở đáy 8 cái nồi đất ra. Thứ muội hảo hạng này, là nguyên liệu cơ bản để chế biến mực hoa (mực tốt, có giá nhất).
Số khói chưa bám vào các đít nồi sẽ bay lên, sẽ tràn ngập trong cái lò 12m2 kia, trên đường thăng thiên, khói sẽ tự bảo nhau dồn tụ cả vào nơi cao nhất của lò nấu mực, ở đó treo rất nhiều cái rọ cây bòng bong (một loại cỏ) và các dụng cụ hứng khói (khi đã biến thành muội than) khác. Đó là tầng thứ 2. Mực ở tầng thứ nhất là mực hảo hạng. Gọi là mực hoa. Mực ở tầng thứ 2, do các cái rọ đựng cây bòng bong thu được, khi rũ ra, cũng ngào với keo da trâu, tạo thành thứ mực thứ cấp phục vụ công việc làm hàng mã, vẽ hình nhân, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ.

Trình diễn nghề nấu mực ở Tư Thế là việc rất nên làm!
Nghiên cứu, lưu giữ lại những tư liệu còn sót lại, những di ảnh, những nghệ nhân cuối cùng còn sống của nghề làm mực tàu là cần thiết. Nhưng, cùng với việc đó, Bảo tàng Dân tộc học hoặc cơ quan tương tự nào đó, cũng nên tổ chức cho các nghệ nhân làng Tư Thế phục dựng lại công việc nấu mực, trình diễn tài nghệ “chế biến” mực Tàu. Đó là một việc làm rất có ý nghĩa, bởi bút lông, mực Tàu, Hán học, tuy đã không còn là thống soái như xưa, nhưng nó vẫn có vai trò rất lớn trong đời sống, trong tâm thức của tất cả chúng ta. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đưa nghệ nhân từ hàng nghìn cây số, từ bản làng xa xôi về trình diễn nghệ thuật trình tường đất, dựng nhà, lễ đâm trâu, lễ mừng cơm mới, tục ăn đất… đã được sự hưởng ứng đặc biệt, đã sống dậy đúng nghĩa vai trò của một Bảo tàng dân tộc. Cho nên, tôi đã ướm hỏi ông Đãi, bà Mơ và nhiều người am hiểu nghề nấu mực của vùng “Tư Thế bút mực làm giàu” cái kế hoạch (giả định) trình diễn nghề nấu mực ở Hà Nội hay tại Tư Thế, các cụ rất ủng hộ. Nguyên liệu là nhựa thông, mùn cưa thì ở làng quê nào cũng kiếm được. Vả lại, Sở Văn hóa Bắc Ninh, phòng văn hóa Thuận Thành, các đồng chí cũng đã về khảo sát, nghiên cứu, có kế hoạch phục dựng để nghiên cứu, tham quan nghề nấu mực ở Tư Thế.

Nhớ chuyện xưa, giờ lang thang với những nếp nhà cổ thân quen như ruột rà ở Tư Thế, lại chợt hồ đồ nghĩ rằng: các cụ làm nghề nấu mực suốt 400 năm của làng này, họ tự hào lắm đấy, họ tôn thờ Nho học lắm đấy, ông tổ nghề nấu mực đã đỗ đến Hoàng Giáp cơ mà. Họ đã làm cho chữ nghĩa Thánh hiền được lên hương lên sắc. Các cụ ấy chắc cũng là các bậc “ho ra thơ, thở ra văn”, hoặc ít ra là những người chỉ dám đọc sách khi đã chay tịnh, khăn xếp áo the tề chỉnh, đốt lên thứ nhang trầm thanh khiết… Tôi đem điều này nói với cụ Đãi, cụ Mơ, hai cụ đều thở hắt, “chả phải thế đâu”. Cái nghề này vất vả, lúc nào cũng nhom nhem khói bụi, cơ cực lắm nhà anh ạ, khổ nhất là cái ngày Nho học bắt đầu bị bài bác. Mặc ông Đãi nói, trên ban thờ, các cụ sống bằng nghề làm mực tàu ung dung tự tại nhìn ra ngoài vuông sân xanh um cây lá. Người còn di ảnh, người chẳng có lấy một tấm hình do đi lấy nhựa thông về nấu mực, bị sơn lam chướng khí tít trên đồng rừng nó quật. Một bức truyền thần cũng không. Nhưng họ từng là các chủ lò mực Tàu giàu có làm nên cái nức tiếng “Tư Thế bút mực làm giàu”, đó là các ông Ngô Đắc, Ngô Đình Nghiêm, Ngô Cau, Ngô Nhị, Ngô Quang Hách… Dụng cụ của một thời nghề nấu mực, làm bút thịnh phát, giờ cũng tan hoang hết. Lò nấu bị phá làm vườn trồng rau, cối, chày, thùng, nồi đất, các giỏ bòng bong đều là thứ dễ tiêu tán, dĩ nhiên cũng chẳng còn gì. Tìm mãi, tôi và cụ Đãi mới bới ra được một cái chày gỗ cổ, dùng để giã mực trộn keo da trâu bò cách đây đã mấy chục năm. Ông Đãi, thở hắt: tôi phải cất kỹ cái chày này, giờ người ta không bài bác mực Tàu nữa, biết đâu chày giã mực lại chẳng trở thành hiện vật bảo tàng. Hôm trước, cán bộ Sở người ta đã về hỏi, giờ lại thêm chú nhà báo này nữa, biết đâu đấy, nhỉ!
Đỗ Lãng Quân
(Vietimes)
(Vietimes)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét