Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Phải chăng chủ nghĩa tư bản đã lụi tàn?

Nouriel Roubini
NEW YORK – Sự giao động lớn và điều chỉnh mạnh về giá cổ phiếu hiện đang rúng động các thị trường tài chính toàn cầu là tín hiệu cho thấy hầu hết các nền kinh tế tân tiến đang trên bờ vực của một cuộc suy thoái đáy kép.  Một cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế do lượng nợ vay quá cao và lạm dụng đòn bẩy tài chính của khu vực tư nhân gây ra đã dẫn tới tình trạng ồ ạt dồn gánh nặng đòn bẩy tài chính sang khu vực nhà nước nhằm ngăn chặn cuộc Đại Khủng hoảng phiên bản 2.0.  Nhưng quá trình hồi phục tiếp theo đó vẫn còn èo uột và không đạt yêu cầu ở hầu hết các nền kinh tế tân tiến dù phải nén đau chịu giảm đòn bẩy tài chính. 
Giờ đây, sự kết hợp giá dầu và giá nguyên liệu cao, biến loạn ở Trung Đông, động đất và sóng thần ở Nhật, các cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực đồng euro, và những khó khăn tài khóa của Mỹ (giờ lại thêm chuyện bị hạ mức tín dụng) đã làm tăng đáng kể tâm lý sợ rủi ro.  Cỗ máy kinh tế ở Mỹ, khu vực đồng euro, Vương quốc Anh, và Nhật đều đang đứng yên.  Ngay cả những thị trường mới trỗi dậy tăng trưởng nhanh nhất (Trung Quốc, các nước Châu Á mới trỗi dậy, và Mỹ La tinh), và các nền kinh tế định hướng xuất khẩu dựa vào những thị trường này (Đức và Úc giàu tài nguyên) cũng đang bị sút giảm trầm trọng.
Mãi cho tới năm ngoái, giới hoạch định chính sách vẫn luôn có thể vận dụng một phép ảo thuật mới để bơm lại giá tài sản và kích hoạt hồi phục kinh tế.  Biện pháp kích thích bằng tài khóa, các mức lãi suất gần bằng không, hai đợt “nới lỏng cung tiền” (quantitative easing), khoanh nợ khó đòi, và hàng ngàn tỉ đô-la  trong các đợt bảo lãnh và tạo thanh khoản cho các ngân hàng và tổ chức tài chính: giới chức trách đã thử tất tần tật.  Bây giờ họ đã cạn những trò ảo thuật đó.
Chính sách tài khóa hiện nay đang cản bước tăng trưởng kinh tế ở cả khu vực đồng euro lẫn Vương quốc Anh.  Thậm chí ở Mỹ, các chính quyền tiểu bang và địa phương, và hiện nay chính quyền liên bang, đang cắt chi tiêu và giảm các khoản trợ cấp và phúc lợi.  Chẳng bao lâu nữa họ sẽ tăng thuế.
Một đợt bảo lãnh cứu ngân hàng lần nữa là không chấp nhận được về mặt chính trị và không khả thi về mặt kinh tế: hầu hết các chính phủ, đặc biệt là ở Châu Âu, đang quá túng quẫn nên không thể kham nổi các đợt bảo lãnh; rủi ro quốc gia của họ thực sự đang gây quan ngại về thể trạng của những ngân hàng của Châu Âu, vốn đang nắm giữ phần lớn số công trái ngày càng bấp bênh.
Chính sách tiền tệ cũng chẳng giúp ích được gì cho lắm.  Việc nới lỏng cung tiền bị hạn chế bởi mức lạm phát cao hơn chỉ tiêu ở khu vực đồng euro và Vương quốc Anh.  Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ có thể sẽ thực hiện đợt nới lỏng cung tiền lần ba (QE3), nhưng làm như vậy vừa quá ít vừa quá muộn.  Đợt nới lỏng cung tiền lần hai (QE2) trị giá 600 tỉ đô-la và các khoản cắt giảm thuế và trợ cấp phúc lợi trị giá 1 ngàn tỉ đô-la cũng chỉ mang lại tỉ lệ tăng trưởng gần 3% cho một quý.  Sau đó, tăng trưởng giảm xuống mức dưới 1% trong nửa đầu năm 2011.  QE3 sẽ nhỏ hơn nhiều, và sẽ có tác dụng ít hơn trong việc bơm lại giá tài sản và khôi phục tăng trưởng.
Sự giảm giá tiền tệ không phải là một lựa chọn khả thi cho tất cả các nền kinh tế tân tiến: họ đều cần một đồng tiền suy yếu hơn và cán cân thương mại tốt hơn để khôi phục tăng trưởng, nhưng họ không thể được như vậy cùng một lúc.  Bởi vậy việc vào tỉ giá hối đoái để tác động tới cán cân thương mại là một cuộc chơi có kẻ thắng người thua.  Do vậy, những cuộc chiến tranh tiền tệ đang dần hé lộ, với Nhật và Thụy Sĩ đang tham chiến những trận đầu để làm suy yếu tỉ giá của họ.  Chẳng mấy chốc những nước khác sẽ theo chân họ.
Trong khi đó, ở khu vực đồng euro, Ý và Tây Ban Nha hiện đang có nguy cơ đánh mất khả năng tiếp cận thị trường, với các áp lực tài chính hiện nay đang đổ dồn lên Pháp nữa chứ.  Nhưng Ý và Tây Ban Nha cũng đều quá lớn nên không thể để phá sản được, và cũng quá lớn nên không thể được bảo lãnh cứu nguy.  Tạm thời, Ngân hàng Trung ương Châu Âu sẽ mua một số công trái của họ như một cầu nối chuyển tiếp sang Chương trình Bình ổn Tài chính Châu Âu (EFSF) mới của khu vực đồng euro.  Nhưng, nếu Ý và/hoặc Tây Ban Nha đánh mất khả năng tiếp cận thị trường, ngân khoản 440 tỉ euro (627 tỉ đô-la) có thể cạn kiệt cuối năm nay hoặc đầu năm 2012.
Khi đó, trừ khi quỹ tiền EFSF được tăng gấp ba – Đức sẽ phản đối nước đi này – lựa chọn duy nhất còn lại sẽ là việc tái cấu trúc có trình tự nhưng bắt buộc cho các khoản vay của Ý và Tây Ban Nha, như đã diễn ra ở Hy Lạp.  Tiếp theo đó sẽ là việc tái cấu trúc bắt buộc cho các khoản cho vay không có tài sản bảo đảm của các ngân hàng mất khả năng thanh toán.  Vì vậy, dù quá trình giảm đòn bẩy tài chính chưa thực sự diễn ra, các khoản cắt giảm nợ sẽ trở nên cần thiết nếu các nước không thể tăng trưởng hay tiết kiệm hoặc tự gây lạm phát để thoát ra khỏi những khó khăn nợ nần của mình.
Vì thế có vẻ như Karl Marx đã đúng phần nào khi lập luận rằng quá trình toàn cầu hóa, hoạt động trung gian tài chính đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát, và sự tái phân phối thu nhập và của cải từ giới lao động sang giới tư bản có thể đưa chủ nghĩa tư bản tới tình trạng tự hủy diệt (mặc dù quan điểm của ông cho rằng chủ nghĩa xã hội sẽ tốt hơn đã tỏ ra sai lầm).  Các công ty đang cắt giảm việc làm bởi vì không có đủ cầu cuối cùng.  Nhưng cắt việc làm sẽ giảm thu nhập của người lao động, tăng sự bất bình đẳng và giảm cầu cuối cùng.
Những cuộc biểu tình của dân chúng gần đây, từ Trung Đông tới Israel và Vương quốc Anh, và tình hình dân chúng ngày càng phẫn uất ở Trung Quốc – và chẳng mấy chốc cũng đến lượt các nền kinh tế tân tiến và các thị trường mới trỗi dậy khác - đều xuất phát từ những vấn đề và tình hình căng thẳng giống nhau: bất bình đẳng, nghèo đói, thất nghiệp, và sự tuyệt vọng ngày càng gia tăng.  Ngay cả các tầng lớp trung lưu của thế giới cũng đang cảm nhận được sức ép của thu nhập giảm dần và cơ hội ít dần.
Để các nền kinh tế định hướng thị trường có thể vận hành như chúng nên và có thể vận hành, chúng ta cần trở lại thế cân bằng đúng mức giữa thị trường và việc cung ứng các hàng hóa công cộng.  Điều đó có nghĩa là tránh xa cả mô hình Anglo-Saxon về kinh tế thị trường thả nổi tự do (laissez-faire) và kinh tế học trọng cung lẫn mô hình Châu Âu lục địa về các nhà nước phúc lợi chấp nhận thâm thủng.  Cả hai mô hình này đều đã hỏng.
Ngày nay, thế cân bằng đúng mức đòi hỏi tạo việc làm một phần thông qua tăng thêm biện pháp kích thích bằng tài khóa dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng có hiệu quả.  Thế cân bằng đúng mức cũng đòi hỏi chế độ thuế lũy tiến hơn; thêm  biện pháp kích thích bằng tài khóa ngắn hạn với kỷ cương tài khóa trung hạn và dài hạn; hỗ trợ đối đế của cơ quan quản lý tiền tệ để ngăn chặn những cuộc đổ xô rút tiền có thể làm sụp đổ các ngân hàng; giảm gánh nặng nợ vay cho những hộ gia đình mất khả năng chi trả và những tác nhân kinh tế bị túng quẫn khác; giám sát và quản lý điều tiết nghiêm ngặt hơn đối với hệ thống tài chính không biết kiềm chế; chia tách những ngân hàng quá lớn nên không thể để phá sản và những khối độc quyền nhóm.
Dần dà, những nền kinh tế tân tiến sẽ cần đầu tư vào vốn con người, kỹ năng và các chương trình an sinh xã hội để tăng năng suất và giúp cho người lao động có thể cạnh tranh, trở nên linh hoạt và phát đạt trong một nền kinh tế toàn cầu hóa.  Bằng không – giống như trong thập niên 1930 – sẽ là tình cảnh liên tục chịu đình trệ, khủng hoảng kinh tế, các cuộc chiến tiền tệ và thương mại, những biện pháp kiểm soát dòng vốn, khủng hoảng tài chính, những đợt vỡ nợ quốc gia, và bất ổn lớn về xã hội và chính trị.
Nouriel Roubini is chủ tịch hội đồng quản trị của Roubini Global Economics, Giáo sư Kinh tế tại Trường Kinh doanh Stern, Đại học New York, và là đồng tác giả của cuốn Crisis Economics (Kinh tế học Khủng hoảng).
Nguồn: Project Syndicate, 15/8/2011
Bản tiếng Việt: PVLH, Blog lên đông xuống đoài, http://phamvuluaha.wordpress.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét