Từ nhỏ, tôi đã sống trong những ngôi nhà cổ đen nhoáy và vàng ruộm toàn chữ Nho. Có khi những “đại tự”, nghiêm ngắn, khảm xà cừ hoặc sơn son thếp vàng trên hoành phi, câu đối; có khi, chữ cuồng thảo (viết tháu, như múa) hết cỡ trên cái màu nâu giấy bản, dán trên vách gỗ cũ mọt, phá cách – gợi cảm đến xôn xao. Mùi mực Tàu thơm nhẹ, nghiên đá cẩm thạch cổ đặt trên chiếc bàn bằng gỗ gụ nặng như sắt, bút lông mèo các loại xếp trong ống tre đen bóng. Tất cả những thứ đó, từ nhiều đời, đã ít nhiều như là biểu tượng của cửa Khổng sân Trình, của tinh thần hiếu học và dòng dõi khoa bảng. Mực Tàu giấy bản luôn gợi cho người ta cảm giác thiêng liêng trong cái cõi chữ của Thánh hiền, vừa rất xưa mà vừa chẳng cũ chút nào.

Mực Tàu và ông tổ nghề người Việt
Làng Tư Thế, nay đã có không ít nhà ống xen lẫn các dãy nhà cổ tối om. Dưới sức nặng cổ kính của cái mùi nhà làm toàn bằng gỗ hàng trăm năm tuổi, cùng ngói âm dương cũ càng “lớp sau đè lớp trước”, tôi nhận ra mùi mực Tàu giấy bản, mùi hoành phi câu đối của tuổi thơ mình. Của hàng ngàn năm lịch sử dân tộc. Trong rất nhiều cái không giống nhau của bút sắt và bút lông, tôi thấy người chữ nghĩa của thời bút sắt họ hồn nhiên hơn bây giờ nhiều lắm, rất rất nhiều cụ cứ nghĩ ra thơ văn là mài mực, quệt bút lông mèo; và: “Viết vào giấy dán ngay lên cột/ hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay (Rằng hay thì thật là hay/ Không hay sao lại đỗ ngay tú tài – thơ Tú Xương). Bất kể bu nó bảo “dốt” hay bảo “hay” (không dốt), cái anh đồ anh khóa hồn nhiên kia thật đáng yêu. Ít ra thì “cụ” đã để cho đời sau được những bức thư họa, những dòng chữ “cuồng thảo” hữu tình. Có cái gì thân gần, như là hơi thở và nhân tính của mình đã phả vào trong nếp cũ càng nơi đồ vật từ lâu lắm, nay quay về “ta lại gặp ta”. Nếp nhà cổ, câu đối hoành phi cũ luôn là chốn đi về, là bệ phóng cho nhiều người ở nhiều đời là vì thế.

Theo Từ điển Tiếng Việt, thì mực Tàu (hay còn gọi là mực Tầu), là một loại mực màu đen, đã được sử dụng rộng rãi trong quá khứ để viết, in và vẽ. Trong ngôn ngữ tiếng Anh, người ta gọi mực Tàu là Indian Ink hay India Ink (nghĩa là mực Ấn Độ, lý do đơn giản, là vì người Anh họ biết đến loại mực này từ người Ấn Độ). Song, từ điển cũng nhấn mạnh, nguồn gốc chính xác của loại mực này là từ đâu, thì cũng chưa ai dám kết luận. Các chuyên luận sớm nhất về nghệ thuật có nói đến mực Tàu đã được người Trung Quốc và Ai Cập cổ đại điều chế ra. Nền tảng của mực này là chất màu cacbon đen (muội than hay bồ hóng ở dạng cực mịn) pha trong chất keo lỏng hay các môi trường gắn kết khác. Ở châu Âu, người ta biết đến mực Tàu khá muộn. Có lần, trước thế kỷ 12, Eraclius, trong cuốn “De Coloribus et Artibus Romanorum” của mình, cũng đã trình bày một tập hợp các cách chế tạo một vài loại mực cacbon, bao gồm cả loại tương tự như mực Tàu của Trung Quốc, được làm từ muội than của nhựa hoặc gỗ bị đốt cháy. Các loại gỗ khác nhau sẽ tạo ra các loại mực có tông màu khác nhau đáng kể.
Định nghĩa kể trên hầu như trùng khít với đặc trưng, công dụng cũng như quy trình sản xuất loại mực Tàu ở làng Tư Thế mà người viết bài viết này đã khảo sát. Rất nhiều nghệ nhân trực tiếp sản xuất mực ở Tàu Tư Thế còn sống, rất minh mẫn, dẫu rằng mẻ mực thơm cuối cùng được ra lò ở Tư Thế, cách nay đã hơn nửa thế kỷ.
Nhà văn Phạm Thuận Thành là một người giỏi Hán học, mê thư pháp, thích đọc chữ của tiền nhân ở khắp các đình chùa miếu mạo, người mê văn hóa vùng Thuận Thành xứ Kinh Bắc đến độ hễ viết được chữ nào cho đời, anh đều lấy tên quê hương Thuận Thành làm bút hiệu, ký ở dưới mỗi tác phẩm (Phạm Thuận Thành). Một ngày, đi điền dã ở xã Trí Quả, anh Thành đã gặp được đôi vợ chồng già, bà Phạm Thị Mơ và ông Ngô Quang Đãi, nghe kể về cái nghề làm mực Tàu, rất kỳ lạ, sinh động đến giật mình. Về giở lại sách cũ, thấy trong cuốn “Kinh Bắc phong thổ ký” cũng chép rất cẩn thận về nghề làm mực Tàu ở Tư Thế. Đặc biệt, với tư cách là Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Bắc Ninh, TS Trần Đình Luyện, cách đây chưa lâu, cũng có công trình nghiên cứu về làng nghề Kinh Bắc, trong đó đặc biệt tâm đắc với nghề làm mực Tàu, làm bút lông phục vụ sĩ tử “lai kinh ứng thí” (cũng như các bậc quan viên, các ngài thanh cao chữ nghĩa nói chung) ở làng Tư Thế. Ông Luyện còn tỉ mỉ trích cả sách “Phong thổ Bắc Hà thời Lê” (Ty Văn hóa Hà Bắc, ấn hành năm 1971), ghi rõ: nghề “nấu mực, làm bút” của Tư Thế (trước đây làng Tư Thế còn có tên cổ là Vĩnh Thế). Một bằng chứng rất cụ thể nữa là các dụng cụ của nghề làm mực Tàu, chủ nhân của các lò nấu mực nổi tiếng, cung cấp mực cho cả Kinh thành Thăng Long xưa và nhiều địa phương khác vẫn còn đầy đủ. Nhiều nghệ nhân vẫn sống, minh mẫn. Người Tư Thế và người cả vùng Thuận Thành, ngày nay, ẫn còn lưu truyền câu “cửa miệng” ca ngợi những cái “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” của mình: “Tư Thế bút, mực làm giàu; Trà Lâm mổ lợn; Uốn câu làng Giàn”. Tư Thế làm bút lông, nấu mực Tàu trở nên giàu có, cũng như làng Giàn có nghề uốn lưỡi câu cho người ta câu bể câu sông; làng Trà Lâm chuyên nghề hóa kiếp cho các chú ỉn (lợn).
Theo một tư liệu đã được Tạp chí Xưa và Nay của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam công bố, thì người được coi là ông tổ nghề nấu mực Tàu, làm bút lông thịnh phát ở Tư Thế, chính là Hoàng Giáp Đỗ Văn Hiến (đỗ năm 1502), là người Kinh Bắc, đi sứ bên Trung Hoa, có học được nghề bút mực, đem về truyền dạy cho dân làng. Ngài làm quan đến chức Thượng thư, khi mất được phong làm Tổ nghề. Nghề bút mực rực rỡ được hơn 400 năm, đến cái thời “quẳng bút lông đi viết bút chì”, thì… “nào có ra gì cái chữ Nho/ ông Nghè ông Cống cũng nằm co”. Nghề nấu mực Tàu, từ bấy chỉ còn trong câu ca, sử sách.
Tứ thời nhục nhằn, nhọ nhem bởi chữ Thánh hiền
Công nghệ làm mực Tàu không phức tạp, nhưng cái cực kỳ khó là tay nghề, kỹ xảo đốt nhựa thông với mùn cưa, ngào với keo da trâu bò để “chế tác” nên những thoi mực thơm như… phấn sáp, viết – vẽ – in nên những thứ hình, thứ chữ, thứ văn hay chữ tốt làm ma mị lòng người, làm nên sức mạnh “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”, làm nên cái chọc trời khuấy nước của văn bút.

Nguyên liệu quan trọng nhất của mực Tàu là nhựa thông. Nhựa thông được bố của ông Đãi mua về từ trên mạn ngược, có khi ở rừng xanh núi đỏ Tiên Yên, Ba Chẽ; có khi ở tít mãi thượng du sông Hồng vùng Yên Bái, Lào Cai.
“Nhiều lúc tôi nghĩ, nghề nấu mực nó là cái nghề, cũng là cái nghiệp. Cái nợ”, một nghệ nhân Tư Thế thở dài. Gánh nhựa thông từ Kinh kỳ, đi dọc xứ Kinh Bắc, về đến Tư Thế, bắt đầu pha trộn. Nhựa quánh, thơm, được khuấy đều lên với mùn cưa. Cái chất quánh dẻo ấy dùng để đốt, khi cháy, thơm lựng, khét mù, rồi khói của nó bám vào các dụng cụ hứng “muội khói” (bồ hóng). Bồ hóng là nguyên liệu chính để pha chế với keo da trâu bò mà thành mực Thánh. Mỗi công đoạn cháy, mỗi thứ bồ hóng hứng được, sẽ chế thành một thứ mực khác nhau, sử dụng trong những công việc khác nhau: như viết, vẽ, in ấn; vẽ ông Công ông Táo, vẽ quan Địa Phủ của Hàng Mã ở làng tranh Đông Hồ; làm thếp (dát quỳ) cho các làng nghề “sơn son thếp vàng” Đồng Kỵ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét