Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

Một bài đăng trên Diễn đàn nhà báo trẻ của anh DG DG

Một bài đăng trên Diễn đàn nhà báo trẻ của anh DG DG

Để ý trên diễn đàn mấy hôm nay, tôi muốn nói một điều như thế này.

Tôi chẳng hiểu sao, những sự việc liên quan đến loạt bài kiều nữ Hải Dương của báo Người Đưa Tin đã rõ ràng ra đấy; Mập mờ, nhố nhăng từ bản kết luận của công an Hải Dương, lẫn thái độ hung hăng, thách thức của mấy cậu phóng viên viết loạt bài đó khi trưng bức hình người phụ nữ kia và tuyên bố trên diễn đàn này mấy hôm trước, mà gần như tất cả các hệ thống nhà báo ở diễn đàn này đều im ắng đến kỳ lạ.

(Mà tôi tin, để có được bức hình và thậm chí đoạn băng như tay Diệu Nam đã nói, chắc hẳn họ đã diễn nhiều trò hay ho với bà Ngọc?!),

Có chăng, chỉ là những phản ứng lấy lệ, hoặc lẻ tẻ, hoặc lên án manh mún. Những người kịch liệt nhất, lại rất tiếc không phải là những nhà báo, mà đa phần là các member đến từ các diễn đàn khác, họ chỉ có thể bày tỏ bức xúc ở đây, hoặc đâu đó trên mạng chứ họ không có được công cụ ra tấm ra món như các anh chị - là những nhà báo!.

Các anh chị sợ?

Hay các anh chị ngại đụng chạm đến đồng nghiệp?

Hay các anh chị đồng lõa, vì thực tế nó cũng chẳng khác gì những điều mình đang làm hàng ngày?

Hay có thể các anh chị biết không làm gì thì những kẻ đó cũng sẽ bị tẩy chay, vậy tốt nhất là im xuôi cho mọi chuyện chìm xuồng?

Điều đó, trái hẳn với phản xạ của các anh chị thường thấy khi tiếp xúc với chính quyền, với người giàu, với doanh nghiệp, với các cơ quan, tổ chức nhà nước khác, hoặc đơn giản với người đi xe máy khi đụng xe đạp, với người đi ô tô khi đụng xe máy …. Ở đó tôi thấy các anh chị rốt ráo đến mức hung hãn, bám chủ đề, thổn thức với chủ đề, cảm tưởng như không ăn tươi nuốt sống người ta là không được.
Đó thực sự là điều tôi thắc mắc, một thắc mắc nghiêm túc mà sau khi quan sát kỹ sự vụ tôi nhận ra được.

Nhẽ nào cái chữ “Hèn” chỉ là đặc quyền của cánh báo chí dùng để xúc xiểm và lên án các đối tượng khác trong xã hội?

Liệu giữa một diễn đàn các nhà báo với hàng ngàn thành viên, tôi có dùng được chữ đó đối với các anh chị không?

Tôi xin lỗi nếu những dòng này đụng chạm đến một số anh chị, là những nhà báo nghiêm túc, chân chính, đã từng tiếp xúc trực tiếp ngoài đời hoặc gián tiếp qua mạng mà tôi được biết. Vơ đũa cả nắm vốn dĩ chưa bao giờ là thói quen trong đánh giá sự việc của tôi.

Tôi cứ hình dung, ngay sau khi có văn bản của công an Hải Dương và vô số điều phi lý mà chúng ta đã thấy trên diễn đàn này, chắc chắn các anh phải chị phải lao hồng hộc đến Hải Dương ngay, truy cứu công an đến tận cùng. Như thông lệ!

Rồi sau đó, hoàn toàn có thể xuất hiện các bài viết kêu khóc dạng công an Hải Dương không thèm tiếp các nhà báo, mập mờ không giải thích rõ cụ thể, rồi thì mà là phóng viên liên lạc với ông X bà Z nhưng đều tắt máy, bận họp… thường lệ các anh chị vẫn thế mà! ?

Đến việc trốn chui trốn lủi để vào viện Nhi trung ương khi người ta đang dịch và đang cấm công khai, mà anh chị vẫn dày mặt lén lút chui vào chụp được hình rồi bố cáo cho cả nước biết rằng viện Nhi TW ngăn cản phóng viên “tác nghiệp” cơ mà?

Đại loại thế, đằng này im re, phải chăng các anh chị cho rằng văn bản đó của công an Hải Dương là đúng, tâm phục khẩu phục? gớm được như thế thì quả là vô tiền khoáng hậu, nhẻ?

Hay các anh chị cho rằng một người đàn bà hiện đang ở nước ngoài, thậm chí có “vấn đề về thần kinh”, không đáng để các anh chị “gây hiềm khích” với các đồng nghiệp?

Hay các anh chị cho rằng phần hay nhất của câu chuyện, là hiếp, là quan hệ tình dục, là làm trò cười cho thiên hạ, đã qua. Vấn đề bây giờ chỉ là pháp lý, nhân phẩm, đạo đức, sự thật, toàn thứ rẻ mạt không ra tiền ra bạc cho các anh chị, nên chẳng quan tâm?!

“Hèn”, ngẫm ra còn nhẹ nhàng và thi vị, khi nói về các anh chị, tôi thật!

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Which side are you on?

Nguồn:Lãng
Trong cuốn hồi ký "Why Vietnam" của L.A Patti, nguyên là trung tá tình báo của Mỹ tại Đông Dương vào cuối thế chiến thứ hai, một người Mỹ đầu tiên và cũng gần như duy nhất trong chính quyền Mỹ có liên hệ trực tiếp với ông Hồ Chí Minh, có kể lại một khoảnh khắc gây ấn tượng không thể mờ phai trong suốt cuộc đời ông ta. Lúc đó đã hết hy vọng xây dựng được một mối quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ, vốn chẳng để ý gì đến xứ Đông Dương xa xôi, lại càng không thể đem đánh đổi một Việt Nam lạc hậu lúc đó chưa là gì trên bản đồ thế giới với tình đồng minh của người Pháp, vốn rất cần cho liên minh Mỹ, Anh trong việc kiềm chế sức mạnh của Liên Xô tại châu Âu sau thế chiến thứ hai. Sự nghiệp dành độc lập của Việt Nam lúc đó thực sự là đơn côi, dù trước đó đã có những nền tảng nhất định trong việc hợp tác với lực lượng OSS của Mỹ (tiền thân của CIA) trong việc kháng Nhật tại Đông Dương (Những tiểu đoàn chủ lực đầu tiên của Việt Nam năm 1945, nhận được sự huấn luyện và viện trợ vũ khí của cơ quan OSS Mỹ từ Côn Minh, TQ). Ngày 30/09/1946, lúc tình thế Đông Dương đã ở bên bờ vực chiến tranh, một cuộc chiến Pháp - Việt chắc chắn sẽ xảy ra, A Patti đến chào từ biệt ông Hồ. Trong những tháng trước đó, ông Hồ đã nhiều lần gửi thư cho tổng thống Mỹ lúc đó là Truman, mong tìm kiếm được sự ủng hộ của Mỹ đối với sự nghiệp dành độc lập của dân tộc mình nhưng vô vọng. Mỹ vào thời điểm ấy đã chọn ủng hộ người Pháp. Chiến tranh bùng nổ sau đó 3 tháng, kết thúc vào năm 54 với người Pháp tại Điện Biên Phủ và cuốn người Mỹ vào một cuộc chiến dằng dai cho đến khi họ phải rút đi vào năm 73.

 Lời tâm sự cuối cùng của ông Hồ với Patti về cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam: "Tôi sẽ buộc phải tìm cho dân tộc mình một đồng minh, nếu đó không phải là Mỹ thì sẽ phải là một đồng minh khác".

Lịch sử xô đẩy ông Hồ đến việc chọn lựa người TQ và người Nga làm đồng minh trong diễn biến của hai cuộc chiến tranh nối tiếp ở Việt Nam. Ông đã không có lựa chọn khác vì không thể để dân tộc đi tới một mình trong cuộc chiến quá chênh lệch về cán cân lực lượng. Ông Hồ đúng khi tìm được độc lập cho dân tộc mình, nhưng những người kế tục ông sau đó phạm nhiều sai lầm, khiến nền độc lập ấy đi kèm với một Việt Nam chậm tiến và nghèo đói kéo dài nhiều năm sau chiến tranh, trong lúc đại bộ phận những nước xung quanh đều mạnh mẽ vươn lên.

Vinh quang trong chiến tranh của Việt Nam, sau 30 năm, trở thành điều nực cười khi so với sự phồn thịnh của các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Indonexia, Malaysia ... và đặc biệt là với một thế lực mạnh mẽ trỗi dậy và đang đe doạ cả Á Châu là Trung Quốc.

Câu chuyện về cuộc chiến và lựa chọn của ông Hồ đã thuộc về thế kỷ trước, thế kỷ 20, một thế kỷ ghi dấu ấn với riêng Việt Nam bởi hai cuộc chiến tranh thảm khốc nối tiếp kéo dài 30 năm, và gần hai thập kỷ nghèo đói kế tiếp sau đó của đất nước. Trong tình thế buộc phải lựa chọn, ông Hồ đã tìm ra cho mình một sự lựa chọn cho đến giờ vẫn còn gây nhiều tranh cãi về tính đúng sai.

Năm 2009, trước một Trung Quốc đang lên và ngày càng trở thành một hiểm hoạ, người Việt Nam lại một lần nữa phải trả lời câu hỏi "Which side are you on?"

Thế giới ngày nay nhìn nhận trực tiếp có lẽ chỉ còn hai siêu cường trên thực tế. Một nước Mỹ hùng mạnh đứng đầu thế giới gần 100 năm qua, quyền lực dù lung lay nhiều trong những năm gần đây nhưng vẫn là cường quốc số 1 hành tinh. Bên cạnh đó, là một Trung Hoa khổng lồ với dân số 1,4 tỷ người, chiếm hơn 1/6 dân số địa cầu, và đang vươn lên ngày một mạnh mẽ về kinh tế cũng như quân sự. Nhiều dự báo cho rằng thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của Trung Quốc, và quốc gia này sẽ thế chân Mỹ thành nền kinh tế đứng đầu thế giới sau 30 hoặc 40 năm nữa. Tất nhiên mọi dự đoán về tương lai đều có thể là sai lầm, nhưng một thực tế không thể phủ nhận là Trung Quốc và Mỹ đã trở thành hai thế lực lớn nhất hành tinh hiện nay, và cuốn các nước khác vào một ván bài có tính lựa chọn khi phải tìm lấy cho mình một bên để đứng.

Câu cửa miệng sáo rỗng dạng "chúng ta muốn làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới" chỉ là lời sáo ngữ không thể lừa ai và cũng chẳng thể dối chính mình. Làm bạn với tất cả, cũng đồng nghĩa với việc chẳng có người bạn nào. Và đó chính là thực trạng của Việt Nam hiện nay: Một quốc gia nhỏ yếu, chậm phát triển, và cô đơn giữa thế giới này khi không có lấy một đồng minh đúng nghĩa (Có thể nhắc đến người Lào chăng? nhưng Lào rồi cũng sẽ rất nhanh không đứng cạnh Việt Nam, khi Trung Quốc đang không ngừng khuyếch trương ảnh hưởng ở đó)

Trong cuộc chơi với người Trung Quốc suốt nhiều năm qua, với Việt Nam, luôn là một cuộc chơi nhẫn nhịn. Trung Quốc giúp Việt Nam nguồn súng đạn trong chiến tranh với một động cơ cũng chẳng trong sáng gì. Giống như ở Triều Tiên, Trung Quốc không muốn ranh giới của thế giới phương Tây tiến sát đến biên giới của họ. Ở Triều Tiên, Trung Quốc trực tiếp tham chiến, chấp nhận trả giá để dựng lên một chính phủ Bắc Triều Tiên trung thành làm phên dậu tại Đông Á cho Trung Quốc trong suốt 70 năm qua. Một bức tranh tương phản tại Triều Tiên, miền Bắc là đệ tử của Trung Quốc, được cai trị bởi một chính thể độc tài toàn trị có tính phản động hàng đầu trên thế giới, một nền chính trị có tính cha truyền con nối, dân chúng chết đói hàng năm vì chưa bao giờ đủ ăn, còn chính thể để tồn tại thì tìm mọi cách đầu tư vào quân đội để duy trì sức cai trị cho chế độ. Nam Triều Tiên, ngược lại, hoà nhập vào thế giới văn minh và hiện là một quốc gia phát triển hàng đầu thế giới, nằm trong nhóm nước phát triển OECD.

Với một động cơ tương tự khi Trung Quốc muốn giúp Việt Nam trong cuộc chiến chống người Pháp và người Mỹ, nhằm có một khoảng đệm an toàn cho biên giới quốc gia của họ với thế giới phương Tây. Trung Quốc cũng muốn Việt Nam phân đôi giống như Nam - Bắc Triều Tiên, để duy trì sát tại biên giới mình một quốc gia nhỏ yếu và vâng lời. Ý thức độc lập thống nhất của người Việt Nam mạnh mẽ hơn ý chí áp đặt của Trung Quốc. Và kết quả là người Việt Nam đã thống nhất đất nước của mình bất chấp những cuộc mặc cả đi đêm của Trung Quốc sau lưng Việt Nam. Năm 1974, ngay khi cuộc chiến Việt Nam sắp chấm dứt, Trung Quốc tận dụng thời cơ hai miền Nam Bắc Việt Nam đánh nhau, chớp nhoáng chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Khi thấy không thể chặn lại được sự thống nhất đất nước của người Việt, Trung Quốc dựng lên chế độ Khơme đỏ tại Campuchia, tìm mọi cách xúi lực lượng này làm tiên phong gây chiến với Việt Nam. Việt Nam phản đòn, chế độ Pôn Pốt nhanh chóng bị đập tan, Trung Quốc công nhiên lộ mặt gây chiến trực tiếp với Việt Nam. Cuộc chiến tranh tàn bạo năm 1979 nổ ra, trước những thiệt hại lớn, Đặng Tiểu Bình buộc phải rút quân về, dù sau đó xung đột biên giới vẫn dai dẳng nổ ra giữa hai bên. Trong cùng thời kỳ, Đặng thành công đổi mới đưa Trung Quốc đi lên, trong lúc lãnh đạo Việt Nam sai lầm trong con đường phát triển khiến đất nước ngày càng kiệt quệ. Năm 1988, khi Việt Nam đang ở điểm đáy của sự tụt hậu và đói nghèo, tận dụng thời cơ Liên Xô là đồng minh duy nhất của Việt Nam lúc đó đang suy yếu đến tận rìa sụp đổ, Đặng xua quân gây cuộc chiến chớp nhoáng tại Trường Sa và chiếm 8 đảo tại quần đảo này của người Việt Nam.

Nhiều chục năm quan hệ với Trung Quốc, là nhiều chục năm cay đắng đối với Việt Nam. Cộng thêm với một lịch sử hàng nghìn năm liên tiếp phải đánh nhau với những đạo quân xâm lược tràn từ Trung Quốc sang. Một lịch sử luôn gắn với những bài học trả bằng xương máu.
Năm 2009, thế giới khủng hoảng, Trung Quốc mạnh mẽ vươn lên với tư cách của một siêu cường. Đối kháng với Trung Quốc thật là một sai lầm, bởi quốc gia này ngày nay quá mạnh. Có lẽ dễ dàng hơn nhiều nếu chọn cách đi bên cạnh Trung Hoa, bởi đối đầu với một quốc gia khổng lồ kề sát bên mình là một lựa chọn rất thiếu khôn ngoan.

Vấn đề là, Trung Quốc không muốn ai đi cạnh bên mình một cách đích thực. Trong lúc rêu rác những lời tuyên ngôn về tôn trọng hoà bình, thì Trung Quốc đầu tư càng lúc càng mạnh cho việc hiện đại hoá quân sự và quốc phòng, đến mức ngày nay đã thành một thế lực đủ sức đe doạ Á Châu. Trong lúc tuyên truyền về tình thân thiện với các quốc gia láng giềng, thì Trung Quốc đồng thời cho vẽ bản đồ chiếm gần trọn lãnh hải của 6 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Trong lúc nói những lời đường mật về hợp tác cùng phát triển, thì Trung Quốc tìm mọi cách thọc tay vào các nguồn tài nguyên khoáng sản của các nước xung quanh, đổ công nghệ khai thác lạc hậu vào những đất nước này, di dân xâm thực văn hoá, bòn rút tài nguyên và trút vào đó hiểm hoạ môi trường. Trong lúc thế giới đang nóng lên, Trung Quốc cho xây đập chặn hầu hết các con sông dẫn nước qua các quốc gia dưới hạ lưu, bất chấp điều đó gây các thảm hoạ về sinh thái và cuộc sống cho dân cư những quốc gia đó. Và Việt Nam, cay đắng thay lại là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất từ những chính sách tàn bạo đó của người Tàu.

Năm 2009, Trung Quốc tiến hành phong toả gần trọn vùng biển Đông của Việt Nam, kiểm soát nó trên thực tế, quét sạch tàu cá của Việt Nam ra khỏi những vùng mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền bất chấp luật pháp quốc tế, đồng thời triển khai những chương trình khai thác thăm dò tài nguyên đầy tham lam. Năm 2009, Trung Quốc cho khánh thành một loạt đập ngăn nước tại các nhánh chính của dòng sông Mê Kông chảy trên lãnh thổ Trung Quốc, đẩy các quốc gia dưới hạ lưu như Lào, Thái Lan, Campuchia trước hậu quả nghiêm trọng của việc suy thoái về nông nghiệp và thuỷ sản cũng như môi trường. Hậu quả nghiêm trọng nhất đến với Việt Nam, khi toàn bộ vựa lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long đứng trước mối đe doạ trực tiếp và nghiêm trọng nhất do việc thiếu hụt nước và phù sa từ sông Mê Kong. Nhiều chuyên gia đánh giá, Việt Nam sẽ phải tốn nhiều chục tỷ USD để làm các công trình thuỷ lợi, xây các hồ chứa nước và hệ thống đê ngăn xâm thực nước mặn từ biển để khắc phục những hành vi này của Trung Quốc. Cũng năm 2009, Trung Quốc tìm mọi cách gây sức ép để khai thác các nguồn tài nguyên thô của Việt Nam, đặc biệt là Bauxite tại Tây Nguyên, một kế hoạch đang chịu sự phản đối gay gắt của hầu hết trí thức Việt Nam trước những hậu quả về mặt môi trường, hiệu quả kinh tế không đi đôi với số vốn đầu tư, và đặc biệt là hiểm hoạ về mặt an ninh khi Trung Quốc hiện diện tại mảnh đất chiến lược này.

Việt Nam muốn đi cạnh Trung Quốc hơn ai hết, nếu quốc gia ấy thật sự để cho những nước khác có thể tồn tại cạnh mình và vẫn có cơ hội phát triển đi lên. Nhưng tiếc thay, Trung Quốc đã và đang chỉ chấp nhận cho những nước nhỏ yếu tồn tại cạnh mình với điều kiện thôn tính được lãnh thổ và tài nguyên của những nước đó. Nói cách khác, Trung Quốc để các dân tộc khác tồn tại cạnh mình với điều kiện tước đoạt được tương lai phát triển của những dân tộc ấy, kìm họ trong vòng lạc hậu và đói nghèo để luôn dễ bảo.

Trung Quốc, cả về lịch sử cũng như hiện tại, không cho cơ hội để Việt Nam có thể chọn họ là một đồng minh có thể chấp nhận được.

Người Việt Nam một lần nữa phải chọn cho mình câu trả lời. Để sinh tồn, để có tương lai phát triển, để giữ được chủ quyền lãnh thổ và tránh những hậu quả lâu dài về môi trường cho con cháu mai sau, Việt Nam phải tìm cho mình một lối đi riêng, một chính quyền và một thể chế đáp ứng được đòi hỏi có tính sinh tồn về lợi ích dân tộc và chủ quyền, và những người đồng minh đủ mạnh cho đến khi đất nước phát triển đến một mức đủ để có thể bảo vệ chính mình.
Which side are you on?

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

Vĩnh biệt một thời đại

Phạm Thị Hoài
Ông là đại diện cuối cùng của một thế hệ mà chúng ta chỉ còn gặp lại trên những trang hồi kí, Thế hệ Vàng của cuộc Cách mạng Giải phóng Dân tộc, trong sáng, lãng mạn, tràn đầy lí tưởng. Qua mỗi thế hệ đến sau, vàng dần biến thành đồng thau và thế hệ hiện đang lãnh đạo đất nước này trông không khác gì đất sét. Người ta thương tiếc ông như rỏ nước mắt cho những phẩm chất đẹp đẽ cũng theo ông về bên kia, để lại bên này một thế giới chân không về giá trị.


Ông là một trong hai nhà lãnh đạo Việt Nam tắm trong một hào quang quốc tế. Người kia đã khuất từ chính xác 44 năm trước. Trong cái bóng của ông, các chính khách đương thời của chúng ta trông không khác các vĩ nhân tỉnh lẻ. Gắn với tên ông, chế độ cộng sản ở đất nước này dường như dễ gây thiện cảm hơn, thậm chí lung linh hơn trong mắt thế giới. Hào quang ấy hẳn cũng đã giúp ông tránh được số phận của nhiều đồng chí và cộng sự thân thiết từng bị nuốt chửng trong chiếc hộp đen của quyền lực đỏ đến nay còn khép kín. Những ngày này, khi hào quang ấy cũng theo ông ra đi, người ta bám vào nó như vầng sáng cuối cùng hắt lại từ dĩ vãng.

Theo ông ra đi là thiên tài quân sự mà huyền thoại đã từ lâu bịt kín mọi ngả nhận thức khác. Thiên tài cầm quân của ông đồng hóa thành thiên tài chống ngoại xâm của Đảng Cộng sản, điều sẽ trở thành biện minh số một cho độc quyền thống trị vĩnh cửu của tập đoàn chính trị mà ông suốt đời trung thành này. Thành tích của vị “Napoléon Đỏ” đã đứng cao hơn núi máu xương chiến trường. Những ngày này hoài niệm đạn bom lên tiếng để hiện thực lặng im, rằng đất nước của vị tướng vĩ đại đã thắng trong chiến tranh và thua trong hòa bình. Gần nửa cuộc đời sau của ông là bằng chứng lặng lẽ của hiện thực ấy.

Theo ông ra đi là những hi vọng tìm một điểm tựa tầm cỡ khai quốc công thần cho một hành trình cứu quốc mới, đưa Việt Nam ra khỏi vòng tròn ma quái của nghèo hèn, lạc hậu, băng hoại, phụ thuộc, chuyên chế và hỗn loạn. Dù chỉ lên tiếng một số lần, có thể là quá thưa thớt và yếu ớt so với mong đợi, và không bao giờ chạm lằn ranh cho phép của thể chế, ông đã là một biểu tượng, một chỗ dựa tinh thần, một uy quyền đạo đức trong một khung cảnh thiếu vắng mọi điểm tựa. Dù chưa từng có một ảnh hưởng quyết định nào với nền chính trị Việt Nam và quá khiêm nhẫn để đột phá và cách tân, ông đã là một địa chỉ của hi vọng cải cách.

Theo ông ra đi là thời đại đã thành cổ điển của những đại tự sự giải phóng dân tộc, chống thực dân, chống đế quốc, chống phong kiến, cách mạng vô sản và chủ nghĩa cộng sản như nấc thang tiến hóa cuối cùng của nhân loại. Một thời đại đầy xung đột, lầm than, bạo lực. Một thời đại đầy ấu trĩ, cuồng tín, u mê. Song cũng đầy những vẻ đẹp của niềm tin giản dị và hùng tráng bởi những nhân cách và tầm vóc phi thường. Thời đại ấy đã cáo chung ngay khi ông còn sống. Bây giờ ông có thể cùng thời đại của mình yên nghỉ. Một cuộc đời dài có thể vắt qua hai thế kỉ, song không một vĩ nhân nào trong lịch sử đóng được dấu ấn lên hai thời đại kề nhau.

Kính cẩn vĩnh biệt ông. Vĩnh biệt một thời đại. Cầu cho thời đại hôm nay không còn cần đến những vị tướng và những chiến trường.

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

Hậu Obama-Sang: Bao lâu cho lộ trình TPP?

Phạm Chí Dũng

TPP chỉ có thể sinh ra từ lòng thành chính trị, tương ứng với các điều kiện về dân chủ và nhân quyền. Bài toán gần như rõ ràng: đáp số của nó sẽ được đáp ứng khi và chỉ khi Nhà nước Việt Nam tự cam kết về thế ưu tiên trong mối tương quan “đi dây” – chọn Trung Quốc hay Mỹ.

Triển vọng lạc quan?

Trước và trong cuộc hội kiến Obama-Trương Tấn Sang ở Washington, theo quán tính chỉ đạo của Ban tuyên giáo trung ương, một số tờ báo đảng đã ồn ã trong “chiến dịch” cổ xúy cho điều được xem là “triển vọng lạc quan” của TPP, tức Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương mà Việt Nam trông ngóng bấy lâu nay.

Việt Nam sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định TPP - những tờ báo này “dự báo”. Một lần nữa sau sự kiện Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO vào năm 2007, giới quan chức ngoại giao và thương mại Việt Nam lại vẽ ra một bức tranh khá xán lạn cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu – những đối tượng đã bị biến thành một loại “con tin” của các nhóm lợi ích đầu cơ trong suốt gần ba năm suy thoái đến mức trầm uất khó tin từ đầu 2011 đến nay.

Nhưng nếu suy xét một cách tỉnh táo, giới quan sát độc lập có thể trông đợi gì về TPP cùng ánh hồng lạc quan của nó?

Giám đốc xin giấu tên của một doanh nghiệp thủy sản ở Sài Gòn không quá che đậy cảm nghĩ của bà: “Từ hồi gia nhập WTO đến giờ, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp tôi cũng chẳng tăng được bao nhiêu. Không hẳn là thị trường Mỹ tăng sức ép cạnh tranh và làm khó doanh nghiệp Việt bằng các vụ kiện cáo bán phá giá, mà từ bộ ngành đến các cơ quan của chính quyền địa phương đều quá quan liêu trong việc hỗ trợ và bảo vệ cho doanh nghiệp, thua xa nhà nước Thái Lan. Cứ cái cung cách này mà có “tiến ra biển lớn” theo TPP thì cũng không có mấy hy vọng quen được với sóng nước. Không cẩn thận có khi còn lật thuyền cũng nên”.

Thực tế 6 năm dầm sương dãi nắng trên bàn tiệc WTO đã trở thành một trải nghiệm đắt giá cho các doanh nghiệp và cả các cơ quan quản lý kinh tế Việt Nam nếu muốn ăn chắc mặc bền với TPP. Năng lực điều hành yếu kém, công tác dự báo hoàn toàn chưa ngang tầm với một quốc gia tham gia vào các hiệp định thương mại đa phương, quá nhiều vấn đề còn tồn tại trong hoạt động quản trị vi mô tại các doanh nghiệp…đã khiến cho lượng hàng hóa và giá trị xuất khẩu từ Việt Nam đi các nước trong khu vực và trên thế giới không mấy khả quan, dù đã được dán cái mác “WTO”.

Cho tới nay, cá basa và tôm vẫn là những khúc mắc luôn bị kiện cáo và tranh chấp giữa các doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam. Hiện trạng này cũng đóng góp cho thực trạng còn xa mới được xem là tốt của doanh nghiệp Việt khi chuẩn bị để tham gia thị trường quốc tế, trong đó không thể không nhấn nhá đến thực tế thiếu am hiểu về luật pháp quốc tế.

Phép thử bình đẳng

Lịch sử và các vận hội thương mại đã chứng minh hùng hồn là cùng với nhiều tham vọng thiếu chân đứng của Việt Nam, không phải những gì mong đợi đều có thể xảy đến một cách trọn vẹn. Khác với thái độ “ưu ái” của cơ chế WTO cách đây 6 năm, nhiều rào cản đã được thiết lập đối với lộ trình tham gia vào TPP. Kể cả nếu Việt Nam có được chấp nhận tham gia vào hiệp định này, vẫn còn nhiều rào cản khác xuất hiện.

Một trong những rào cản sâu kín nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam chính là vấn đề xuất xứ của hàng hóa.

Theo điều khoản về xuất xứ hàng hóa được đề xuất ở TPP, các sản phẩm xuất khẩu trong các nước thành viên phải có xuất xứ nội khối TPP mới được hưởng ưu đãi. Ngay lập tức, giới chuyên gia trong nước nhận ra rằng đây là một bất lợi vì Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nguyên phụ liệu từ các nước bên ngoài TPP để gia công hàng xuất khẩu. Hiển nhiên, nếu không chuyển đổi được vùng nguyên liệu, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ không được hưởng ưu đãi thuế.

Nhưng làm thế nào để chuyển đổi vùng nguyên liệu, một khi phần lớn nguyên phụ liệu lại được Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Trung Nam Hải chứ chẳng phải từ địa chỉ nào khác?

Chưa hết, một số chuyên gia cũng đánh giá rằng hàng Việt Nam còn có thể phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp nhiều hơn nếu tăng được kim ngạch xuất khẩu vào các nước TPP. Bởi không giống như các hiệp định khác, TPP hướng tới một sân chơi bình đẳng, không phân biệt quốc gia phát triển hay đang phát triển nên không có chính sách ưu tiên như khi Việt Nam đàm pháp gia nhập WTO...

Hệ quả của quá khứ lại là tiền đề cho tương lai. Sau WTO, nền kinh tế Việt Nam đang chuẩn bị đối diện với một phép thử mới là TPP. Nhưng liệu các doanh nghiệp Việt Nam có rút ra được bài học nào sắc nét để cải thiện tình thế quẫn bách của họ hay không?

Phép thử này, tất nhiên, không thể không liên quan đến cuộc gặp ở Washington của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào những ngày cuối tháng 7/2013.

Chỉ có điều, sau gần hai năm sốt ruột, tất cả chỉ mới bắt đầu đối với người Việt.

Hai năm?

Trong các chuyến làm việc trước đây với những người chủ trì TPP, giới chức lãnh đạo Việt Nam từng tha thiết đề nghị rút ngắn lộ trình tham gia hiệp định này vào tháng 10/2013. Trương Tấn Sang là người nằm trong số đó.

Nhưng cho đến nay và sau đến 18 vòng đàm phán TPP, xem ra mọi chuyện vẫn giậm chân tại chỗ. Vẫn không có bất kỳ tín hiệu nào cho thấy những quốc gia chủ chốt của TPP, đặc biệt là Nhà trắng, sẽ động não xem xét việc kết nạp Việt Nam vào hiệp định này.

Cuộc hội kiến Obama – Sang vào cuối tháng 7/2013 lại càng trở nên mù mờ khi cảm giác nào cũng có mà thực chất lại chẳng có xúc giác nào được chứng thực. Phía sau bản tuyên bố chung Việt – Mỹ người ta không nhận ra bóng dáng một thỏa thuận chi tiết nào về TPP.

“Sẽ thông qua sớm nhất vào cuối năm 2013” – như một hứa hẹn của Tổng thống Obama cho viễn cảnh Việt Nam tham dự vào buổi tiệc đứng TPP.

Còn Ernest Z. Bower, cố vấn cao cấp và cũng là giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ, lại ám chỉ rằng lộ trình thủ tục TPP dành cho Việt Nam còn phải phụ thuộc vào Quốc hội Hoa Kỳ - cơ quan có vai trò thông qua vấn đề này vào năm 2014, và nếu mọi chuyện không có gì trắc trở, phải sau hai năm nữa tính từ thời điểm này, giới chính trị gia Việt Nam mới có thể được thỏa mãn tham vọng trở thành đối tác xuyên Thái Bình Dương của họ.

“Chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm với nhau” - đại diện thương mại Mỹ Michael Froman nêu ra quan điểm xuyên suốt như thế sau cuộc gặp với ông Trương Tấn Sang vào cuối tháng 7/2013.

Quãng đường vẫn còn dài, thậm chí rất dài.

Nhưng Việt Nam liệu có chờ đợi được hai năm nữa, khi bóng dáng một cuộc khủng hoảng kinh tế đang lộ diện?

Trong trường hợp xảy ra suy thoái hoặc khủng hoảng kinh tế thế giới vào những năm tới, những lô cốt cuối cùng của nền kinh tế Việt Nam sẽ có thể bị tàn phá kiệt quệ cùng nhiều hệ lụy không còn là gián tiếp. Vốn đang nằm trong xu thế không chỉ suy thoái gần như toàn diện nội lực mà còn quá kém hiệu quả trong cơ chế xuất khẩu và chịu ảnh hưởng không nhỏ từ làn sóng thoái vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam sẽ nhanh chóng rơi vào tình thế bĩ cực không lối thoát. Một cuộc khủng hoảng toàn diện đối với nền kinh tế Việt Nam cũng từ đó rất có thể khởi phát.

Cuộc khủng hoảng có thể như thế còn cần được tính thêm một yếu tố cộng hưởng rất “láng giềng”: Trung Quốc.

Nếu cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới kỳ vọng được bắt nguồn từ nguồn cơn suy thoái nặng nề và khủng hoảng của nền kinh tế Trung Quốc, Việt Nam sẽ phải chịu hiệu ứng kép: một do suy thoái kinh tế giai đoạn cuối, nặng nề hơn nhiều so với giai đoạn suy thoái kinh tế gần ba năm qua; và một do ảnh hưởng từ bầu không khí hỗn loạn và có thể cả động loạn xã hội ở Trung Quốc.

Lòng thành chính trị?

Muốn vượt qua cơn khủng hoảng trầm kha rất có thể diễn ra trong trung hạn, nền kinh tế Việt Nam cần có tiền và thị trường xuất khẩu. Những nguồn vốn mới và thị trường mới sẽ giúp đất nước này hồi phục phần nào năng lực sản xuất và do đó sẽ kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp cùng nhiều hệ quả xã hội.

TPP là một trong rất ít lối thoát có thể có cho Việt Nam.

Nhưng với thái độ không cần che giấu của người Mỹ, TPP lại chỉ có thể sinh ra từ lòng thành chính trị, tương ứng với các điều kiện về dân chủ và nhân quyền. Bài toán gần như rõ ràng: đáp số của nó sẽ được đáp ứng khi và chỉ khi Nhà nước Việt Nam tự cam kết về thế ưu tiên trong mối tương quan “đi dây” – chọn Trung Quốc hay Mỹ.

Về mặt lý thuyết, cơ hội để “thoát Trung” cùng vô số nguy cơ từ an ninh biển Đông có thể được giải thoát bởi người Mỹ. Nếu tận dụng cơ hội này, với điều kiện phải thể hiện được bản lĩnh của mình trong mối giao hòa với tâm cảm của đại đa số người dân trong nước và mục tiêu chiến lược địa - chính trị của phương Tây, chính đảng cầm quyền ở Hà Nội mới có được cơ may tránh thoát một phần ảnh hưởng của Bắc Kinh. Cũng khi đó, Hà Nội sẽ nhận được sự hậu thuẫn của Washington và những thủ phủ chính của Cộng đồng châu Âu về TPP. Cuộc khủng hoảng kinh tế tiềm tàng ở Việt Nam cũng do đó có thể sẽ được khuôn hẹp với những hậu quả không quá lớn.

Trong trường hợp đó, chính đảng cầm quyền ở Việt Nam dù có phải “trả giá” bằng một cơ chế cởi mở hơn về dân chủ nhân quyền và chấp nhận sự tồn tại của một hình ảnh mang tính trang trí về một xã hội dân sự manh nha, kể cả phải thỏa hiệp với sự hình thành và vận hành của một lực lượng phản biện đối lập nào đó tại đất nước này …, họ vẫn có thể duy trì kinh tế tạm ổn định, để logic tiếp theo là vẫn tiếp tục bám giữ quyền lực một đảng chi phối và quyền lợi của giới lãnh đạo trong một thời gian nào đó.

Có lẽ, đã có những con người lãnh đạo trong chính đảng cầm quyền ở Việt Nam tâm tưởng về những kết quả kỳ lạ mà Thein Sein và Myanmar đã làm được và nhận được từ ba năm qua, về một lối thoát khả dĩ cho những chính khách khôn ngoan, biết thời thế và không cam nhận sống lưu vong hoặc mất trắng.

Mắt xích còn lại là giới lãnh đạo mang xu hướng và cả xu thời cải cách ở Việt Nam có biết biến tâm tưởng thành hành động hay không mà thôi.

Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

Tarzan Made in Việt Nam

I.
“Người rừng” Hồ Văn Thanh trốn khỏi bệnh viện. Ông Thanh chui xuống gậm giường, rồi lấy hết sức tàn lao ra khỏi phòng bệnh khi cô y tá bận đi đái. Ông cố lết tìm về ngôi làng nơi thằng con trai Hồ Văn Lang đang được “giải cứu”. Để tránh sự truy bắt của đồng loại, suốt ngày ông Thanh trốn trong bụi rậm, đến tối, ông lão “người rừng” hơn 80 tuổi trèo lên ngọn cây, giả tiếng thú để gọi con.
Trong ngôi nhà gần đó, “người rừng” Hồ Văn Lang đang nghe…Chế Linh!. Của đáng tội, từ khi được đồng loại rầm rộ “giải cứu” bằng còng số tám đưa về làng, Lang đâm ra mê thuốc lá đầu lọc với lại nghe nhạc vàng bằng điện thoại! Đang lim dim “người phụ ta rồi có phải không. Cớ sao lại bỏ phố lên rừng…” thì Lang nghe lất phất trong gió mấy tiếng Cru Cru. Tiếng cha! Kể từ khi được “giải cứu”, đây là lần đầu tiên Lang được nghe lại cái âm thanh tha thiết của người cha già gọi con. Mắt Lang sáng lên. Thả vội cái điện thoại đang ỉ ôi, Lang lủi nhanh ra khỏi nhà.
Cha con ôm chầm lấy nhau, nước mắt rơi lã chả! Ông Thanh trân trối nhìn con! Trời! Thằng Lang đây sao? Sao mày lại ra nông nổi này? Sao mày lại ăn mặc như con rắn lục vậy? Khố đâu rồi? Ông hỏi con trai:
-C. luc C. lăc C.xi C. xao? (mày ăn no không?)
-C.xi C.xao C.lao C.xẹc! (con ăn no. Cơm thịt với cá kho tộ!)
Ông Thanh buồn bã. Cuộc sống tự do tự tại, phóng khoáng với cây cỏ thiên nhiên là do ông tự chọn lấy. Cha con ông săn bắn hái lượm, quanh năm đóng khố. Ông ôm con lên rừng vì căm ghét đồng loại. Căm ghét sự giả dối, căm ghét chiến tranh thù hận! 40 năm trước, bom đạn của sự hận thù đã vĩnh viễn cướp đi sinh mạng của 2 người con…Ông đã tự chọn lấy cuộc sống với hoang giã, bao nhiêu lần bà con họ hàng lên rừng tìm, ông có về đâu…
-C.leng C.xao C.xẹc C.hiêng? (ta trở về rừng con nhé?)
Mắt Lang sáng lên!
- C.loi C.lắc C.lóc! (về đi cha! Về xem có con thú nào trúng bẩy không).
- C.leng C.leng C. lăng C.lai! (mày phải cởi bỏ quần áo, cha mới cho mày về rừng!)
Lang đứng dậy, quả quyết xé phăng bộ đồ đang mặc. Đây là bộ đồ mà đoàn thăm hỏi của một ông bụng bự với một bà mông nhọn đến tặng hôm trước. Thăm hỏi, trao quà, rồi còn bắt lăn tay. Rối rắm quá! Thế nhưng mấy cái rìu, cái dao tự tạo, rồi ống bương đựng hạt giống người ta đang giữ…
- C.lăng C.xăng C.xeo C.tai C.lắc! (không cần đâu, về rừng ta làm lại!)
Lang dìu cha, hai cái bóng trần như nhộng nhằm hướng đại ngàn thẳng tiến!

II.
UBND huyện họp. Lãnh đạo huyện mặt như đâm lê, quát như sấm!
- Bệ rạc quá! Bệ rạc quá! Để giải cứu được cha con ông Hồ Văn Thanh, là công lao trinh sát, nắm tình hình ròng rã của lực lượng biên phòng, là sự vào cuộc đồng bộ và hiệu quả của hội người cao tuổi, của đoàn thanh niên, của hội phụ nữ! Thế mà bây giờ để họ trốn mất, thử hỏi ăn nói với cấp trên, với báo chí thế nào đây?
Trưởng phòng Thanh tra ngập ngừng:
- Dạ, thưa anh! Thực ra ta bắt họ về làng, cáng cha, còng tay con giải về như vậy là sai, vi phạm nhân quyền anh ạ!
- Nhân gì? Quyền gi? Thử hỏi, tự nhiên lại được cấp sổ đỏ, cấp chứng minh thư, cấp hộ khẩu, được khai sinh, con cái được tiêm vắc-xin, thậm chí sau này ông Thanh, cu lang có thể được cấp bằng lái ô tô. Sướng vậy mà không ở! Quyền cái gì! Nhân cái gì!
Lãnh đạo nhìn sang cô y tá bệnh viện vẫn cúi mặt ngồi run:
- Còn cô nữa! Nhà nước cho ăn học mấy năm để làm y tá, thế mà đi đái cũng không biết cách! Đi đái không đúng lúc, bây giờ để cha con ông Thanh trốn về rừng, tội to ở cô!
Cả hội trường im thin thít!

III.
Đại ngàn! Nắng xiên từng vạt lá xanh như chó! Cha con Hồ Văn Thanh, Hồ Văn Lang đang trỉa bắp. Vẻ mặt họ mãn nguyện và vui sướng vô cùng! Từ trong bìa rừng có đàn khỉ cộc đuôi tinh nghịch chạy ra. Con khỉ đầu đàn vơ lấy viên đá, ném về phía “người rừng” Hồ Văn Lang, rồi co chân bắt C. đái một bãi thối hoắc!

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

Lịch sử những lần đổi tiền ở Việt Nam

Kể từ ngày 1/12/1945, khi nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa phát hành đồng tiền đầu tiên kể từ sau Cách Mạng Tháng Tám, lúc đó là đồng tiền nhôm loại 2 hào, cho đến nay chúng ta đã có rất nhiều các loại tiền xu, tiền giấy, tiền polime khác nhau. Đi cùng lịch sử phát hành tiền là những lần chúng ta thực hiện đổi tiền, có thể tổng kết những lần đổi tiền từ sau Cách Mạng Tháng Tám cho đến nay như sau:


Lần thứ nhất: Ngày 15 tháng 5 năm 1947, Chính phủ ra sắc lệnh 48/ SL cho phép lưu hành trong cả nước giấy bạc 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 50 đồng, 100 đồng, 500 đồng. Giấy bạc Tài chính thời kì này được in LITÔ hay TIPÔ, ốp sét trên giấy in xấu nên có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng từng mẫu tiền. Đồng thời nhà nước thực hiện thu đổi đồng bạc Đông Dương, tỷ lệ 1 đồng Việt Nam lấy 1 đồng bạc Đông Dương

Lần thứ hai: Ngày 6/ 5/ 1951 tại sắc lệnh số 15/ SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký chuẩn y việc thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt nam (NHQG VN) (để thay thế “Nha ngân khố quốc gia” và “Nha tín dụng sản xuất” trực thuộc Bộ Tài Chính đã thành lập trước đó trên cơ sở “Việt nam quốc gia Ngân hàng” thuộc Bộ Tài chính được thiết lập theo sắc lệnh số 86/SL ngày 17/9/1947 của Chủ tịch Chính phủ dân chủ cộng hoà Việt nam). Ngay khi ra đời, theo sắc lệnh số 19/SL và 20/SL ngày 12/5/1951 NHQG đã chính thức phát hành đồng tiền giấy mang tên: "NHQG Việt Nam" thay đồng tiền Tài chính. Đổi 10 đồng tiền Tài chính ăn 1 đồng tiền NHQG - Một cuộc đổi tiền diễn ra tới 20 tháng, dài nhất trong lịch sử đổi tiền của NHVN.



Lần thứ ba: Vì tiền NHQG đầu tiên được in ra năm 1951 là để đổi đồng Tài chính trước đó nên hầu hết những người có tiền đổi là thuộc khu vực công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước nên đến tháng 2 năm 1959 Chính Phủ quyết định phân phối lại thu nhập và đã đổi tiền lần thứ 2 với tỷ lệ 01 đồng NHQG mới ăn 1000 đồng NHQG cũ. Với giá trị mới này, vào thời điểm từ tháng 2/1959 đến tháng 10/1960 một đồng NGQGVN bằng 1,36 Rúp Liên Xô và cũng tương đương 1,2 USD. Cuộc đổi tiền năm 1959 được đánh giá là “ngoạn mục” nhất trong lịch sử tiền tệ Việt Nam. Đến tháng 10/ 1961 đồng tiền NHQG VN ở miền Bắc được đổi tên thành đồng tiền Ngân hàng Nhà nước Việt nam (NHNN VN) với cùng một mệnh giá để tránh trùng tên với đồng tiền NHQG ở miền Nam của chính phủ nguỵ quyền Sài Gòn.



Lần thứ tư: Trong 3 năm đầu sau ngày miền Nam giải phóng, để có một thời gian đệm cần thiết và quan trọng, hai miền vẫn dùng hai đồng tiền khác nhau: Miền Bắc vẫn là tiền NHNN Việt Nam, miền Nam tiếp tục dùng tiền của chính quyền cũ. Ngày 3/5/1975 chính quyền cách mạng tiếp quản NHQG của Nguỵ quyền Sài Gòn và vẫn sử dụng đồng tiền của chế độ cũ trong lưu thông để không gây rối loạn trong lưu thông tiền tệ ở miền nam những ngày đầu giải phóng. Ngày 6/6/1975 - 5 tuần sau ngày giải phóng, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đã ra Nghị định số 04/PCT - 75 về thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam do Ông Trần Dương làm Thống đốc. Đến ngày 22/ 9/1975, dưới sự lãnh đạo của Bộ chính trị và Trung Ương đảng lao động Việt Nam, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng Hoà miền nam Việt Nam đã tổ chức cuộc đổi tiền trên qui mô toàn miền nam để đưa đồng tiền mới lấy tên là "Tiền Ngân hàng Việt Nam" (còn gọi là tiền giải phóng) vào lưu thông với tỷ lệ 1 đồng NHVN ăn 500đ tiền của chế độ cũ và tương đương với 1 USD



Lần thứ năm: Ngày 2/5/ 1978 - Đúng dịp kỷ niệm 3 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, Nhà nước CHXHCN Việt Nam công bố đổi tiền lần thứ 3 trên phạm vi toàn quốc, thống nhất tiền tệ cả nước với tỷ lệ 1đồng tiền NHNN cũ ở miền Bắc hoặc 0,8 đồng tiền Giải phóng ở miền Nam ăn 1đồng NHNN mới.



Lần thứ sáu: Trước tình hình diễn biến phức tạp của lưu thông hàng - tiền và nạn khan hiếm tiền mặt nghiêm trọng trong thanh toán, ngày 14/9/1985 Nhà nước lại phải công bố đổi tiền theo tỷ lệ 10 đồng tiền NHNN cũ ăn 1 đồng tiền NHNN mới phục vụ cuộc cách mạng về giá và lương. Nhà nước đã cho phát hành thêm vào lưu thông một khối lượng lớn tiền tương đương với 1,38 lần khối lượng tiền mới đã phát hành trong đợt đổi tiền trước đó để phục vụ công cuộc cải cách lương và giá.

Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

Toàn cảnh vụ Đoàn Văn Vươn



Toàn cảnh vụ Tiên Lãng trước cuộc họp của Thủ tướng

Trong cuộc họp ngày 10/2 của Thủ tướng với các bộ và lãnh đạo Hải Phòng, 3 vấn đề dự kiến được mổ xẻ là tính pháp lý của quyết định giao, thu hồi đất; tổ chức cưỡng chế có đúng quy định và có hay không chủ trương phá nhà ông Vươn.
'Mong Thủ tướng giải quyết tận gốc vụ Tiên Lãng'

Ngoài các bộ ngành trung ương, cuộc họp của Thủ tướng tại Hà Nội ngày 10/2 còn có đại diện Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam và Thành ủy, UBND Hải Phòng.
Trao đổi với VnExpress ngày 9/2, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Chu Ngọc Hiển cho biết, Bộ đã hoàn tất báo cáo thanh tra gửi Thủ tướng. Từ chối tiết lộ kết quả thanh tra, ông Hiển chỉ nói ngắn gọn: "Chúng tôi sẽ đề xuất xử lý nghiêm những vi phạm quy định đất đai". Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp cũng đã hoàn tất báo cáo thanh tra.
Theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, Thủ tướng đã yêu cầu Thường vụ Thành ủy Hải Phòng báo cáo làm rõ 3 nội dung: Thứ nhất, việc giao đất, thu hồi đất cho ông Vươn đúng, sai ở đâu, trách nhiệm thuộc cơ quan, cá nhân nào? Thứ hai, việc tổ chức cưỡng chế có đúng quy định và trong quy định pháp luật khi nào cần sử dụng tới biện pháp cưỡng chế và nếu không đúng thì sai ở điểm nào, tổ chức nào cấp nào chịu trách nhiệm? Thứ ba, những tài sản như ao cá, nhà - theo cách gọi của báo chí - bị phá hủy thì có chủ trương không, nếu có thì là của ai, cấp nào?
Ngôi nhà của ông Vươn bị phá hủy một ngay sau vụ cưỡng chế. Ảnh: Nguyễn Hưng
Ngôi nhà của ông Vươn bị phá hủy một ngày sau vụ cưỡng chế. Ảnh: Nguyễn Hưng
Xung quanh quyết định giao, thu hồi đất, hiện có 2 quan điểm trái ngược nhau giữa huyện Tiên Lãng và một số chuyên gia đất đai, tiêu biểu là ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường. Thậm chí, Trưởng ban Tuyên giáo Tiên Lãng Vũ Hồng Chuân còn cho rằng, một số quan chức trung ương về hưu đã nhầm lẫn.
Theo UBND huyện Tiên Lãng, năm 1993, huyện giao 21 ha đất bãi bồi ven biển cho ông Vươn. Sau đó ông Vươn “tự ý đắp bờ bao” lấn ra biển thêm 19,3 ha phía ngoài, rồi đề nghị hợp thức hóa và năm 1997 được huyện ra quyết định giao đất bổ sung. Hết thời hạn giao đất (14 năm), huyện đã ra quyết định thu hồi toàn bộ diện tích 40,3 ha đầm của ông Vươn, trong đó có cả 19,3 ha mới làm thủ tục giao bổ sung.
Giải thích lý do không giao đất theo Nghị định 64 với thời hạn 20 năm, UBND huyện Tiên Lãng khẳng định đất giao cho các hộ sử dụng là diện tích nằm ngoài đê quốc gia, chưa ổn định, chưa sử dụng, đang thực hiện dự án Vinh Quang 2 do UBND huyện quản lý.
Giải thích về quyết định thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, UBND huyện căn cứ Nghị định 30 ngày 23/3/1989 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 1987 quy định người được giao đất có mặt nước để quai đê lấn biển, nuôi trồng thuỷ sản thì thời gian đưa đất vào sử dụng được kéo dài thêm 6 tháng so với quy định tại khoản 5 Điều 14 Luật Đất đai, huyện đã để thêm đến 18 tháng kể từ khi đến hạn phải giao trả, nhưng ông Đoàn Văn Vươn không bàn giao mà tiếp tục sử dụng 40,3 ha trong gần 4 năm qua không nộp bất cứ khoản nào cho Nhà nước. Đến nay ông Đoàn Văn Vươn không chịu nộp số tiền thuế sử dụng đất nông nghiệp là 10.035.000 đồng.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, Luật đất đai năm 1993 quy định thời hạn giao đất là 20 năm, còn Luật đất đai 1987 không quy định thời hạn này. Nếu UBND huyện Tiên Lãng giao đất cho người dân chỉ 10 ngày trước khi Luật đất đai 1993 có hiệu lực thì sau đó cần điều chỉnh thời hạn giao đất lên 20 năm như luật định.
Cũng theo nguyên Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường, cái sai nữa của UBND huyện Tiên Lãng là khi hết hạn giao đất nhưng người dân khai thác có hiệu quả và Nhà nước không có dự án cần thu hồi, chưa có nhu cầu sử dụng đất vào mục đích an ninh quốc phòng thì người dân đương nhiên tiếp tục được kéo dài thời gian giao đất.
Sáng 5/1, hơn 100 cảnh sát, bộ đội... ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) tham gia cưỡng chế thu hồi hơn 50ha đầm nuôi thủy sản, trồng cây ăn quả tại vùng bãi bồi của gia đình Đào Văn Vươn (52 tuổi) do đã hết hạn thuê và người này không chịu đóng thuế trong thời gian dài. Ảnh: Báo Hải Phòng
Sáng 5/1 hơn 100 cảnh sát, bộ đội... ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) tham gia cưỡng chế. Ảnh: Báo Hải Phòng
Trong vụ cưỡng chế nhà ông Vươn, hơn 100 cảnh sát, bộ đội huyện Tiên Lãng đã tham gia. Theo UBND huyện Tiên Lãng, để tổ chức bảo vệ, đảm bảo an ninh trật tự và phòng ngừa xảy ra chống người thi hành công vụ, lực lượng tham gia cưỡng chế bố trí một số công an huyện, xã, dân quân, qua trinh sát nắm tình hình thấy cần phải có lực lượng rà phá bom mìn.
"Đoàn cưỡng chế đang tiến hành dò mìn, đang vào vận động thuyết phục lần cuối thì ông Vươn đã cho người thân kích nổ mìn tự tạo, bắn súng đạn hoa cải làm bị thương 6 cán bộ, chiến sĩ công an huyện và quân sự huyện", huyện Tiên Lãng giải thích,
Tuy nhiên, theo Luật sư Lê Đức Tiết, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban trung ương MTTQ, những người tổ chức việc cưỡng chế đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Điều 13 Luật Quốc phòng toàn dân năm 2005 quy định: “Lực lượng vũ trang nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý của Chính phủ. Khi chưa có lệnh của cấp có thẩm quyền, người chỉ huy đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân không được tự ý điều động, sử dụng người, trang bị, vũ khí của đơn vị mình để tiến hành các hoạt động vũ trang không có trong kế hoạch huấn luyện, diễn tập sẵn sàng chiến đấu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt…”.
Theo ông Tiết, những người tự ý ra lệnh huy động và sử dụng bộ đội biên phòng, lực lượng quân sự địa phương huyện vào vụ cưỡng chế đã vượt quá thẩm quyền dành cho Chủ tịch nước, của Thủ tướng và của Bộ trưởng Quốc phòng.
Một ngày sau vụ nổ súng chống đối, ngôi nhà 2 tầng nằm ngoài diện tích cưỡng chế của ông Đoàn Văn Vươn đã bị phá. Thông tin do người dân cung cấp đang trái ngược với phát ngôn của lãnh đạo các cấp của Hải Phòng. Ngay bản thân các vị lãnh đạo địa phương cũng có những phát ngôn không khớp nhau.
Theo Phó chủ tịch UBND Hải Phòng Đỗ Trung Thoại thì "dân bất bình nên phá nhà ông Vươn". Trong khi Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền thừa nhận, nhà ông Vươn bị phá hủy vì đây là "nơi kẻ gây án từng ẩn nấp".
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng Ngô Ngọc Khánh lại nói, đoàn cưỡng chế không có lệnh nào và không có ai tham gia phá nhà dân. Còn chủ tịch xã Vinh Quang thì "không biết ai phá nhà" mặc dù lực lượng xã có mặt tại đầm.
* ClipQuan chức Hải Phòng nói về vụ phá nhà ông Vươn
* ClipÔng Kết tố chính quyền nhờ thuê máy xúc cưỡng chế
Trong khi đó, theo tố cáo của ông Vũ Văn Kết, ông Nguyễn Văn Khanh, Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, Trưởng ban cưỡng chế; ông Phạm Đăng Hoan, Bí thư xã Vinh Quang và ông Lê Thanh Liêm, Chủ tịch xã Vinh Quang đã nhờ ông gọi hộ máy xúc để cho ban cưỡng chế giải tỏa mặt bằng. Qua giới thiệu, anh Đặng Văn Tài đã đồng ý nhận lời làm việc trên.
Nhiều người dân xã Vinh Quang cũng cho biết, khoảng 7h sáng đã nghe thấy tiếng máy xúc ầm ầm tiến vào đầm nhà ông Vươn. Sau khi phá lều và hàng rào ở phía ngoài, xe xúc hất tung từng mảng tường của căn nhà 2 tầng. Trong khoảng vài tiếng, căn nhà chỉ còn lại đống gạch vụn ngổn ngang. Theo người dân, tại hiện trường, ngoài công an, còn có mặt của ông Lê Thanh Liêm (Chủ tịch xã Vinh Quang) và ông Phạm Đăng Hoan (Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang).
Hiện, Công an Hải Phòng đã khởi tố vụ án hủy hoại tài sản và triệu tập những người liên quan, trong đó Bí thư, Chủ tịch xã Vinh Quang. Ngoài việc xác định những người trực tiếp tham gia, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ có hay không chủ trương phá nhà?
ClipBí thư Hải Phòng trả lời vụ Tiên Lãng
Trong cuộc họp báo ngày 7/2, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành đã thừa nhận, dù chính quyền địa phương đúng hay sai thì vụ việc cũng gây dư luận không tốt trong nhân dân. Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng nghiêm túc kiểm điểm, nhận trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trước Đảng bộ và nhân dân thành phố.
Hàng loạt cán bộ huyện Tiên Lãng đã bị đình chỉ chức vụ, tuy nhiên, người dân địa phương vẫn chưa thỏa mãn với mức xử lý trên. Họ đang kỳ vọng vào buổi làm việc ngày 10/2 của Thủ tướng.
- "Tôi không tin một người chí làm ăn, chưa từng vi phạm pháp luật mà lại đi chống đối chính quyền. Phải đặt vấn đề: 'Tại sao người nông dân ấy lại làm vậy?'.
Nếu chính quyền đúng, Đoàn Văn Vươn sai thì phải xử lý theo quy định của pháp luật. Còn nếu chính quyền làm sai, nhất là cố ý làm sai, vì động cơ cá nhân thì rất nguy hiểm. Muốn được lòng dân thì phải xử lý nghiêm những cán bộ làm sai",nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh nói.
- "Vụ Tiên Lãng đã gây ra một hình ảnh xấu trước đất nước, ảnh hưởng xấu đến tình hình chính trị của địa phương. Nếu không được giải quyết đúng mức thì sẽ tác động tiêu cực đến tình hình cả nước, khi mà vấn đề đất đai đang là vấn đề nóng bỏng của đất nước, trong đó nhiều nơi có nguyên nhân trực tiếp là do sai phạm của các cấp chính quyền ở đó", trích tâm thư của trung tướng Nguyễn Quốc Thước gửi Thủ tướng.
- "Đây là một trong những vụ đầu tiên Thủ tướng trực tiếp xem xét, giải quyết. Nếu giải quyết tốt sẽ tạo được niềm tin trong nhân dân. Thủ tướng là đại biểu Quốc hội Hải Phòng và Tiên Lãng, được nhân dân gửi gắm và kỳ vọng rất nhiều trong việc giải quyết vụ việc này", nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão cho biết.
http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2012/02/toan-canh-vu-tien-lang-truoc-cuoc-hop-cua-thu-tuong/
Thông báo số 43/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ về vụ việc cưỡng chế thu hồi đất ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
___________
Số: 43/TB-VPCP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
____________________________
Hà Nội, ngày 10 tháng 2 năm 2012

THÔNG BÁO
Kết luận của Thủ tướng Chính phủ
Về vụ việc cưỡng chế thu hồi đất ở xã Vinh Quang,
 huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng
________________
Ngày 10 tháng 2 năm 2012 tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì họp về vụ việc cưỡng chế thu hồi đất trên địa bàn xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Uỷ ban kiểm tra Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Hội Nông dân Việt Nam, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng và Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng và một số cơ quan thông tin báo chí.
Sau khi nghe báo cáo tổng hợp chung của Văn Phòng Chính phủ và ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến kết luận như sau:
I. Những năm qua, chính sách pháp luật về đất đai có rất nhiều thay đổi. Từ năm 1987 đến nay, Luật Đất đai đã được ban hành mới 3 lần (1987, 1993, 2003) và sửa đổi 2 lần (1998, 2001). Hàng trăm văn bản dưới luật cũng được ban hành, sửa đổi nhưng vẫn còn không ít vấn đề chưa đủ rõ, thậm chí trùng chéo, mâu thuẫn.
Trình độ, năng lực cán bộ quản lý đất đai, nhất là ở cơ sở còn nhiều hạn chế trong khi đất đai đang biến động rất nhanh, văn bản pháp luật về đất đai lại rất nhiều và phức tạp, nên công tác quản lý đất đai trong cả nước còn nhiều bất cập. Nhiều vấn đề phát sinh trong quản lý và sử dụng đất đai chưa được điều chỉnh và xử lý kịp thời; khiếu kiện về đất đai chiếm trên 70% tổng số vụ khiếu kiện và có nhiều vụ việc kéo dài.
Trong những năm qua, cấp uỷ, Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng đã quan tâm lãnh đạo chỉ đạo thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai, không ngừng nâng cao hiệu quả sử dụng đất nói chung và đất bồi ven biển nói riêng, góp phần phát triển KTXH khá nhanh và toàn diện, bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Đối với ông Đoàn Văn Vươn chính quyền địa phương đã giao đất, kể cả giao bổ sung phần đất lấn chiếm sau khi đã xử phạt hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho ông Vươn đầu tư tôn tạo, nuôi trồng thủy sản trên diện tích đất được giao.
Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng đã có những sai phạm trong giao đất, thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất đã giao cho ông Đoàn Văn Vươn như sau: 
1. Việc giao đất, thu hồi đất
Quyết định số 447/QĐ-UB ngày 4 tháng 10 năm 1993 của Uỷ ban nhân dân huyện Tiên Lãng giao 21 ha đất cho ông Đoàn Văn Vươn là phù hợp với quy định của pháp luật đất đai tại thời điểm ban hành.
Quyết định số 220/QĐ-UB ngày 9 tháng 4 năm 1997 của Uỷ ban nhân dân huyện Tiên Lãng giao bổ sung 19,3 ha đất cho ông Đoàn Văn Vươn vào mục đích nuôi trồng thuỷ sản với thời hạn 14 năm, tính từ ngày 4 tháng 10 năm 1993 là đúng thẩm quyền và phù hợp với thực tế sử dụng đất. Tuy nhiên quyết định này không đúng với quy định của pháp luật đất đai về giao đất, cho thuê đất; về thời hạn giao đất và thời điểm tính thời hạn giao đất.
Các Quyết định số 460/QĐ-UBND ngày 23/4/2008, Quyết định số 461/QĐ-UBND ngày 07/4/2009 của Uỷ ban nhân dân huyện Tiên Lãng thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn với lý do hết thời hạn sử dụng là không đúng với quy định của Luật Đất đai 2003 và Nghị Định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai năm 2003.         
2. Việc cưỡng chế thu hồi đất
Do quyết định thu hồi đất không đúng với quy định của pháp luật đất đai nên Quyết định cưỡng chế thu hồi đất cũng không đúng pháp luật. Mặt khác, việc tổ chức cưỡng chế thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng cũng có nhiều thiếu sót, sai phạm.  
3. Việc phá dỡ nhà của ông Đoàn Văn Vươn
Việc Lãnh đạo chính quyền địa phương chỉ đạo phá nhà của ông Đoàn Văn Vươn là có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự cần phải được khởi tố, điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh.  
II. Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh việc lãnh đạo thành phố Hải Phòng nghiêm túc kiểm điểm, nhận khuyết điểm, trách nhiệm và đã lãnh đạo, chỉ đạo cần thiết đối với vụ việc này. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo thành phố Hải Phòng tiếp tục thực hiện tốt các công việc sau:
1. Chỉ đạo thu hồi các quyết định không đúng pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng về việc thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất đã giao cho ông Đoàn Văn Vươn. Xử lý các vi phạm về sử dụng đất của ông Đoàn Văn Vươn theo quy định của pháp luật và làm thủ tục cho ông Đoàn Văn Vươn sử dụng đất theo đúng quy định của Luật Đất đai. Chỉ đạo Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng và Toà án nhân dân huyện Tiên Lãng nghiêm túc kiểm điểm việc xét xử đối với vụ việc này.
2. Chỉ đạo cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố, điều tra và sớm đưa ra xét xử nghiêm minh theo đúng qui định của pháp luật việc phá dỡ nhà của ông Đoàn Văn Vươn. Đình chỉ công tác những cán bộ đã chỉ đạo phá dỡ nhà của ông Đoàn Văn Vươn.
3. Chỉ đạo cơ quan bảo vệ pháp luật khẩn trương đưa vụ án “giết người và chống người thi hành công vụ” ra xét xử công khai, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo do các quyết định không đúng pháp luật của Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng.    
4. Chỉ đạo huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến những vi phạm trong việc giao đất, thu hồi đất, tổ chức cưỡng chế, phá dỡ nhà của ông Đoàn Văn Vươn.
5. Lãnh đạo thành phố Hải Phòng kiểm điểm làm rõ trách nhiệm về việc:      
- Chấp thuận đề nghị cưỡng chế thu hồi đất không đúng pháp luật của Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng.   
- Khi vụ việc xảy ra chậm chỉ đạo làm rõ đúng sai và trách nhiệm của tập thể, cá nhân; báo cáo chưa đầy đủ - nghiêm túc với Thủ tướng Chính phủ; việc thực hiện cung cấp thông tin chưa kịp thời, thiếu chặt chẽ gây bức xúc trong dư luận.
6. Lãnh đạo thành phố Hải Phòng kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc qua vụ việc này và chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai, kiện toàn bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức làm công tác quản lý nhà nước về đất đai, không để xảy ra vụ việc tương tự. Sớm ổn định tình hình mọi mặt của huyện Tiên Lãng. Thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về xây dựng Đảng, phát huy thành tựu to lớn và truyền thống tốt đẹp của thành phố Hải Phòng, tập trung lãnh đạo chỉ đạo thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2011-2015 mà Đại hội Đảng bộ Thành phố đã đề ra.
Những công việc trên phải được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
III. Qua vụ việc cưỡng chế thu hồi đất ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước chủ động rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai, nhất là việc thu hồi và cưỡng chế thu hồi đất bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Đề cao trách nhiệm, tập trung giải quyết tốt các khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan tiến hành rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng đất đai. Khẩn trương tiến hành tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai để kiến nghị sửa đổi Luật đất đai cho phù hợp với thực tế tình hình và yêu cầu phát triển mới.
3. Bộ Tư Pháp nghiên cứu, đề xuất xây dựng thể chế để kiểm soát việc ban hành các quyết định hành chính của chính quyền các cấp.
4. Thủ tướng Chính phủ kiến nghị Chánh án Toà án nhân dân tối cao theo thẩm quyền xem xét theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định của Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng và Toà án nhân dân huyện Tiên Lãng.
5. Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh các cơ quan thông tin đại chúng đã góp phần tích cực để các cơ quan chức năng làm sáng tỏ và có sự chỉ đạo phù hợp đối với vụ việc này.
Yêu cầu các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục phát huy vai trò và trách nhiệm của mình, đóng góp thiết thực hơn nữa vào việc xây dựng Đảng và bộ máy nhà nước trong sạch vững mạnh, phát huy quyền làm chủ và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân. Nghiêm túc rút kinh nghiệm, hết sức tránh việc đưa tin không khách quan, không đúng bản chất sự việc làm phương hại đến lợi ích của đất nước và người dân.
Yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan chủ quản, tăng cường chỉ đạo, quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí hoạt động đúng chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia tuyên truyền định hướng dư luận xã hội; kịp thời chấn chỉnh, xử lý những vi phạm để báo chí nước ta ngày càng vững mạnh, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh những ý kiến đóng góp tâm huyết, xác đáng đối với vụ việc này của các đồng chí lão thành, các chuyên gia và nhiều cán bộ, nhân dân đã gửi trực tiếp đến Thủ tướng hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và mong tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp xây dựng đối với việc quản lý, điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan có liên quan biết, thực hiện./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng và các Phó TTg;
- UBTW MTTQVN, Hội Nông dân VN;
- VPTƯ Đảng; VPQH; VPCTN;
- Uỷ ban Kiểm tra Trung ương;
- Toà án NDTC, Viện KSNDTC;
- Ban Dân nguyện của UBTVQH;
- Ban Tuyên giáo TW;
- Các Bộ: TP, CA, QP, TNMT, NNPTNT;
- Thanh tra CP,
- Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN, Báo nhân dân
- Thành uỷ, UBND TP Hải Phòng;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 
- VPCP: BTCN, các PCN,
   các Vụ, đơn vị: TH, ĐP, TKBT, NC, KTN, PL, TTĐT;
- Lưu: KNTN(3), VT. TS
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM

  (Đã ký)

Nguyễn Quang Thắng

http://baodientu.chinhphu.vn/Uploaded_VGP/nguyenphuongmai/20120210/TB%2043.pdf

Ngày 2/4/2013, TANDTP Hải Phòng mở phiên toà Hình sự sơ thẩm, đưa 6 người trong gia đình kỹ sư Đoàn Văn Vươn ra xét xử.
Trong đó các ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sinh, Đoàn Văn Vệ bị VKSND TP Hải Phòng truy tố về tội “Giết người” theo điểm d (Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân) khoản 1, điều 93 BLHS, có khung hình phạt cao nhất là tử hình. Hai bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) và Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Quý) bị truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ” theo điểm d (Gây hậu quả nghiêm trọng), khoản 2, điều 257 BLHS, có khung hình phạt cao nhất đến 7 năm tù.
Vậy căn cứ nào để VKSND TP Hải Phòng truy tố họ với các tội danh trên?
KLĐT số 96/KLĐT của cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng ngày 28/12/2012, do Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng, đại tá Vũ Sỹ Hưng ký, khẳng định đoàn cưỡng chế (hơn 100 người) kéo đến khu đầm nuôi trồng thuỷ sản của ông Đoàn Văn Vươn sáng ngày 5/1/2012 là những người thi hành công vụ, vì họ thực hiện 2 Quyết định số 461/QĐ-UB ngày 7/4/2009 và số 3307/QĐ-UBND ngày 24/11/2011 của UBND huyện Tiên Lãng. Và cả KLĐT lẫn cáo trạng của VKSNDTP Hải Phòng đều mô tả rằng khi nhận được thông báo cưỡng chế, anh em ông Vươn, ông Quý cùng nhau dựng hàng rào, mua xăng, mua súng hoa cải, chế tạo mìn... để chống laị đoàn cưỡng chế, nhưng lại không nói 1 dòng đến việc đoàn cưỡng chế đã hành xử có đúng pháp luật không.
Tại thời điểm ngày 5/1/2010, gia đình ông Đoàn Văn Vươn đang sử dụng 2 khu đầm nuôi trồng thuỷ sản ở xã Vinh Quang huyện Tiên Lãng, một khu có diện tích 21 ha, trong đó có ngôi nhà 2 tầng của ông Đoàn Văn Quý, khu còn lại có diện tích 19,3 ha. Quyết định số 461/QĐ-UB của UBND huyện Tiên Lãng là quyết định thu hồi 19,3 ha đầm của gia đình ông Vươn, và Quyết định số 3307/QĐ-UBND của UBND huyện Tiên Lãng là quyết định cưỡng chế thu hồi 19,3 ha đầm đó. Khu đầm 21 ha, trên đó có ngôi nhà 2 tầng của ông Quý không bị thu hồi, không nằm trong phạm vi điều chỉnh của 2 quyết định trên.
Ông Đoàn Văn Vươn trước khi bị bắt
Anh em Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý... đã dựng hàng rào, rải rơm, gài mìn tự tạo... ở ngôi nhà 2 tầng của Đoàn Văn Quý, nằm ngoài khu vực cưỡng chế. Súng hoa cải cũng được để ở đó.
Sáng ngày 5/1/2012, đoàn cưỡng chế đã từ bỏ nhiệm vụ của mình là tiến hành cưỡng chế khu đầm 19,3 ha của ông Đoàn Văn Vươn để tự ý kéo đến khu đầm 21 ha không bị cưỡng chế, và tiến vào ngôi nhà 2 tầng của ông Đoàn Văn Quý nằm trên khu đầm 21 ha đó. Bản KLĐT của cơ quan CSĐT công an TP Hải Phòng giải thích rằng đoàn cưỡng chế tiến vào ngôi nhà của ông Quý là để “thực hiện việc vận động, thuyết phục lần cuối trước khi cưỡng chế”. Lời giải thích này không thuyết phục. Bởi vào sáng ngày 5/1/2012, tại khu đầm bị cưỡng chế 19,3 ha không có một người nào của gia đình Đoàn Văn Vươn, không có bất cứ chướng ngại vật nào được dựng lên với mục đích ngăn cản đoàn cưỡng chế. Nghĩa là gia đình Đoàn Văn Vươn đã hoàn toàn chấp hành 2 quyết định trên của UBND huyện Tiên Lãng.
Người thi hành công vụ là người thực thi nhiệm vụ công theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Quyết định đó phải đầy đủ tính pháp lý. Và họ chỉ được phép thi hành những điều quy định trong quyết định. Sáng ngày 5/1/2012, đoàn cưỡng chế sẽ được coi là những người thi hành công vụ nếu họ kéo đến khu đầm 19,3 ha của ông Vươn để thực hiện việc cưỡng chế. Nhưng họ đã làm trái hoàn toàn với hai Quyết định 461/QĐ-UB và 3307/QĐ-UBND của UBND huyện Tiên Lãng.
Bà Nguyễn Thị Thương trả lời báo chí sau khi nhận cáo trạng
Vào buổi sáng ngày 5/1/2012, tại khu đầm 21 ha của ông Đoàn Văn Vươn, trên có ngôi nhà 2 tầng của ông Đoàn Văn Quý, không có những người “thi hành công vụ”, thì cũng không có hành vi “chống người thi hành công vụ”. Theo lời tường trình của hai bà Nguyễn Thị Thương và Phạm Thị Báu (Hiền), thì buổi sáng hôm đó, họ không có mặt trong ngôi nhà 2 tầng của ông Quý mà đứng ở trên đê, và họ cũng không chửi bới, lăng mạ hay có bất cứ hành vi nào chống lại những người xâm phạm trái phép chỗ ở của vợ chồng ông Đoàn Văn Quý.
Xét xử vụ án ông Đoàn Văn Vươn:

Bị cáo khai gì?

THANH VŨ   -Thứ Năm, 04/04/2013, 10:10 (GMT+7)
Sau khi xét hỏi các bị cáo Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Vệ và Nguyễn Thị Thương, chủ tọa phiên tòa đã yêu cầu bị cáo Phạm Thị Báu (Hiền) ra trước vành móng ngựa:
- Bị cáo có đồng ý với bản cáo trạng không?
- Tôi phản đối bản cáo trạng. Ngay sau khi được nhận kết luận điều tra và cáo trạng, tôi đã có đơn khiếu nại cả hai văn bản đó gửi Công an, Viện Kiểm sát và Tòa án TP Hải Phòng, nhưng đến nay chưa có cơ quan nào hồi âm.
- Lý do nào khiến bị cáo phản đối bản cáo trạng?
- Thưa quý tòa, đoàn người kéo đến nhà tôi sáng ngày 5/1/2012 không phải là những người thi hành công vụ. Vì vậy tôi không chống người thi hành công vụ như quy kết của cáo trạng.
- Căn cứ vào đâu mà bị cáo nói như vậy?
- Thưa quý tòa, tôi căn cứ vào kết luận của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/2/2012.
- Bị cáo có mua xăng không?
- Thưa quý tòa, cáo trạng quy kết tôi thực hiện 4 hành vi: mua xăng, rải rơm, làm hàng rào, mua mũ len với mục đích chống người thi hành công vụ. Tôi có làm những việc đó. Nhưng đó là những việc làm rất bình thường hàng ngày của tôi để phục vụ cuộc sống, phục vụ sản xuất của gia đình. Tôi mua xăng để gia đình dùng. Tôi phơi rơm rạ trên đường đi để nuôi dê và đun nấu. Tôi làm hàng rào để chống trộm cướp, mua mũ len cho chồng con tôi đội trước cái rét chỉ hơn mười độ, chứ tôi không làm những việc đó để chống lại ai.

Bị cáo Phạm Thị Báu phủ nhận chống người thi hành công vụ
Cả hai bị cáo Nguyễn Thị Thương và Phạm Thị Báu đều khẳng định, vào sáng ngày 5/1/2012, họ đưa con đi học rồi sau đó đứng ở trên đê chứ không có mặt ở hiện trường, và họ cũng bị bắt ở trên đê. Nhưng cơ quan công an cứ ghi là họ có mặt ở hiện trường vụ nổ súng. 
Vụ án Đoàn Văn Vươn ngày xử thứ 2
Tại tòa, bị cáo Đoàn Văn Vệ cũng tố cáo việc mình bị công an lừa tiền. Nội dung tố cáo của Vệ như sau: Sáng ngày 5/1/2012 Vệ không có mặt ở hiện trường. Đang trên đường, nghe người dân đi đường nói có xô xát ở nhà Đoàn Văn Quý, cậu mình bị thương (Sịnh, Vươn, Quý là cậu ruột của Vệ) nên Vệ chạy đến với ý định đưa người bị thương đi viện. Đến nửa đường xuống đầm thì công an bảo quay lên và sau đó bị bắt.
Tại đồn công an, điều tra viên bảo Vệ là hành vi của mày không cấu thành tội giết người, rồi hứa cho Vệ tại ngoại, hứa chuyển tội danh. Một cán bộ công an đã đưa điện thoại cho Vệ để Vệ gọi điện về nhà bảo vợ mang đến 20 triệu đồng đưa cho ông ta, sau đó lại đưa tiếp 10 triệu đồng nữa. Vì tin tưởng vào lời hứa của cán bộ công an, lại đã đưa tiền, nên sau đó công an đưa những bản cung trắng bảo ký, Vệ cứ ký vào. Cuối cùng không những không được tại ngoại mà còn ngã ngửa khi biết mình bị truy tố tội “giết người” được quy định tại điểm d khoản 1 điều 93 BLHS.
Với 4 bị cáo Sịnh, Vươn, Quý, Vệ. Vấn đề sinh tử được đặt ra trong phiên tòa này là: Họ có chủ định giết người từ trước hay không? Theo lời khai của Đoàn Văn Vươn tại tòa, thì trước nguy cơ bị mất trắng toàn bộ tài sản, khiếu nại khắp nơi nhưng không được giải quyết, cùng đường, ông buộc phải tạo tiếng nổ, đám cháy, với mục đích để đoàn cưỡng chế thấy nguy hiểm mà dừng lại, để các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại của ông. Ông cũng khai tại tòa rằng đã cảnh báo điều đó với huyện. Xét về những gì diễn ra sau đó, thì rõ ràng ông đã đạt được mục đích của mình.
Có một chi tiết được chủ tọa phiên tòa dành khá nhiều thời gian xét hỏi. Đó là trước ngày 5/1/2012, ai trong gia đình Đoàn Văn Vươn đã nói câu “Bắn chết mẹ chúng nó đi” (cáo trạng ghi là Đoàn Văn Quý nói)? Thực ra, trong lúc bị dồn đến bước đường cùng (theo lời khai của Quý thì những ngày đó, khi khiếu nại về quyết định cưỡng chế không được giải quyết, Đoàn Văn Vươn đã nhiều lần lăn lộn khóc lóc: “Mất hết rồi các em ơi", giả sử trong hoàn cảnh đó, có ai trong số họ có ai nói câu ấy, thì đó cũng chỉ là câu cửa miệng được “văng” ra khi người ta quá bức xúc mà thôi.
Đoàn Văn Quý là bị cáo bị xét hỏi cuối cùng. Tại tòa, Quý phủ nhận toàn bộ lời khai của Vươn, khẳng định Vươn chỉ đưa kíp nổ chứ không chỉ đạo. Tất cả các việc chế tạo mìn, chôn mìn, chôn bình ga rồi kích nổ mìn, bắn súng... đều do Quý tự làm, và cũng chỉ với mục đích cảnh báo chứ không có ý định giết người. Quý cũng khai chỉ bắn 2 phát súng hoa cải chứ không phải 3 phát như cáo trạng kết luận, việc một số chiến sĩ công an và bộ đội bị thương do 2 phát súng đó là ngoài ý muốn của Quý.
Vụ án Đoàn Văn Vươn ngày xử thứ 2
Hôm nay, vẫn tiếp tục giai đoạn thẩm vấn, buổi sáng Tòa tiếp tục thẩm vấn với “cái gọi là người bị hại” và những người cũng có thể tạm gọi là “”người làm chứng”. Nội dung cơ bản chưa cần xác định theo cáo trạng đúng hay sai về người bị hại và người làm chứng nhưng nóng lên tại phiên tòa chính là Hội đồng xét xử và Viện Kiểm sát hỏi theo hướng buộc tội hoặc mang tính chất để buộc tội. Đến phần luật sư thẩm vấn thì đa số bị Chủ tọa phiên tòa dùng quyền uy để cắt hoặc dừng câu hỏi của luật sư; tạo nên không khí căng thẳng tại phiên tòa không đáng có.
Điều đáng bàn nhất lời khai của những người “ bị hại” và của nhân chứng là mâu thuẫn nhau, “ tát” vào miệng nhau tại phiên tòa với những nội dung chủ yếu là: Có trang bị vũ khí hay không? Có bắn trước hay bắn sau? Vết đạn trên tường, áo giáp, mũ bảo vệ,…Việc thi hành có đúng pháp luật hay không? Đi vào nhà người khác không được đồng tình của chủ nhà…khi kíp nổ là sự cảnh báo nhằm ngăn chặn sự cưỡng chế và xâm phạm vào nhà ở trái pháp luật của anh Đoàn Văn Qúy nhưng lực lượng cưỡng chế vẫn tiếp tục xông vào?...
Hội trường nóng lên khi luật sư Trần Đình Triển hỏi ông Lê Văn Mải ( nguyên Trưởng công an, thủ trưởng cơ quan điều tra huyện Tiên Lãng) thì ông Lê Văn Mải lấy lý do không đủ sức khỏe để trả lời và từ chối trả lời câu hỏi của luật sư Trần Đình Triển. Trước tình cảnh đó, luật sư Triển đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) nếu ông Mải không trả lời luật sư thì luật sư có quyền đề nghị HĐXX xét hỏi ông Mải về những câu hỏi mà luật sư nêu ra để buộc ông Mải phải trả lời. Sự căng thẳng giữa luật sư và Chủ tọa phiên tòa đã diễn ra: Chủ tọa thì cho rằng quyền của chủ tọa có quyền cắt hoặc dừng theo quyền của chủ tọa. LS Triển thì cho rằng: “ Chủ tọa có quyền nhưng phải trên cơ sở pháp luật được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự và nghị quyết số 49 của Bộ chính trị về cải cách tư pháp, đề nghị Hội đồng nếu ông Mải không đủ sức khỏe để trả lời luật sư thì tạm dừng phiên tòa, khi nào ông Mải đủ sức khỏe để trả lời thì tiếp tục xét hỏi ông Mải”.
Tình huống đó và cũng gần hết giờ làm việc buổi sáng nên Chủ tọa phiên tòa tuyên bố tạm dừng phiên tòa buổi sáng, buổi chiều nếu ông Mải có đủ sức khỏe thì LS Triển tiếp tục phỏng vấn.
Buổi chiều phiên tòa được khai mạc tiếp vào 14h. LS Triển hỏi ông Mải: “ Với tư cách ông tham gia cấp Uỷ của Huyện, Trưởng công an kiêm TThủ trưởng cơ quan điều tra của công an huyện Tiên Lãng thì ông có biết quyết định hành chính của huyện Tiên Lãng đã bị khởi kiện và đã có bản án có hiệu lực của tòa án thì việc thi hành cưỡng chế đó thuộc thẩm quyền của Cơ quan Thi hành án, vậy mà cơ quan hành chính ( UBND Huyện) ra quyết định cưỡng chế là trái pháp luật, với tư cách cơ quan tham mưu ông có ý kiến gì về việc này?”. Ông Mải trả lời: “ Việc đúng sai là do UBND Huyện, chúng tôi là cơ quan chấp hành nên ra lệnh thì chúng tôi làm”. Nhiều câu hỏi khác của LS Triển đưa ra như: Nhà anh Qúy không thuộc dienj cưỡng chế, không được phép của gia đình thì ai cho phép đoàn cưỡng chế xông vào nhà người ta ?, các vết đạn trên tường nhà anh Qúy do ai bắn? Tại sao khi kíp mìn nổ chưa gây hậu quả gì mà ông chỉ đạo tiếp tục xông vào nhà anh Qúy để hậu quả xảy ra vụ án này?,…Ông Mải đều trả lời: Tôi không trả lời LS hoặc viện giải với những lý do khác không thể chấp nhận được.
Buổi chiều chỉ tiến hành khoảng 30 phút chủ yếu dành cho LS Triển hỏi ông Mải. Sau đó, chủ tọa phiên tòa tuyên bố tạm dừng phiên tòa tại đây. Ngày mai 8h tòa tiếp tục làm việc.