Tù mù- minh bạch và… “Tam đại đồng đường”?
Sự kiện nổi bật trong tuần này là bức tranh kinh tế- xã hội được các đại biểu Quốc hội tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế QH chiều 24/9 (T/p HCM) nhận xét “đang ở giai đoạn cực kỳ khó khăn”. Còn chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh thì cho rằng “xấu nhất từ năm 1991 đến nay”.
Ngày 23/9, VnEconomy có bài viết dưới đầu đề: “Kinh tế vĩ mô bất ổn đến mức nào?”. Đặt câu hỏi vậy, nhưng bài viết đã là câu trả lời khi đưa ra hiện trạng các doanh nghiệp Nhà nước- đứa con trưởng của nền kinh tế đang “ốm đau”. Cũng là đánh giá của TS Trần Đình Thiên (Viện trưởng Viện Kinh tế VN):
“Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có thể lỗ 11.669 tỷ đồng (2010 lỗ 23.647 tỷ), Tổng công ty Xăng dầu (Petrolimex): 1.200 tỷ đồng. Tập đoàn Công nghiệp và Tàu thủy (Vinashin): 3.092 tỷ; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines): 613 tỷ đồng… Thiếu vốn đầu tư ngành chính nhưng đầu tư ngoài ngành hơn 22.590 tỷ. Lĩnh vực được chuộng nhất là tài chính, ngân hàng, bảo hiểm với 13 đơn vị, tổng vốn hơn 10.700 tỷ…”
Tức là vốn đầu tư ngành chính của các DNNN thì lỗ, nhưng vốn đầu tư các ngành phụ, mang tính chất mì ăn liền, nhiều rủi ro và mất an toàn, lại khá lớn. Nói một cách dân dã, tiền chi tiêu cho “bồ” của đứa con trưởng này không ít. Hiệu quả ra sao?
Nhìn toàn cảnh, người ta dễ dàng nhận thấy lạm phát tăng, tăng trưởng giảm, bội chi ngân sách, thâm hụt thương mại, giá trị đồng tiền ViệtNamgiảm…. Đương nhiên, niềm tin của người dân vào sự kinh doanh và điều hành của các DNNN cũng giảm theo.
Các chuyên gia cũng đưa ra nhiều giải pháp, nhưng người viết bài rất tâm đắc với nhận định của TS Lê Đăng Doanh rằng, đặc trưng của nền kinh tế hiện nay có nhiều bệnh, mà nguồn gốc sâu xa gắn liền với thể chế kinh tế, chính sách của Nhà nước. Để khắc phục các căn bệnh đó, không thể không cải cách bộ máy quản lý của Nhà nước, các chính sách kinh tế.
Nhận định này không mới, nhưng rất bản chất, phản ánh rõ trong những bất ổn của nền kinh tế hiện nay. Và nó không chỉ phản ánh ở kinh tế, mà còn ở cả những mảng xã hội như giáo dục, y tế, văn hóa…
Vì sao? Vì tuy đổi mới cơ chế quản lý kinh tế- xã hội đã hơn 20 năm, nhưng ai dám bảo đảm tư duy của con người trong điều hành đã thật sự mới, thoát được thói quen của một cơ chế bao cấp xin- cho vốn ăn sâu trong tiềm thức, từ cả lý luận lẫn thực tiễn?
Sự minh bạch thể hiện trong con số lỗ hàng nghìn tỷ đồng, phung phí biết bao mồ hôi nước mắt của dân
Nhưng sự tù mù vẫn còn nằm ở tư duy, ở cung cách quản lý và điều hành các cấp, lúc kiểu thị trường, lúc kiểu bao cấp, rất khó cho cả 2 phía doanh nghiệp và cho người dân. Rút cục, sẽ luôn có một nhóm lợi ích hưởng lợi
Trước đó, ngày 19/9. Diễn đàn Kinh tế VN có bài “Quản lý thì đừng sở hữu”, một bài viết rất đáng suy ngẫm về hiện trạng cơ chế quản lý các DNNN hiện nay.
Trong thông điệp đầu nhiệm kỳ mới 2011-2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu đổi mới cơ chế quyền chủ sở hữu Nhà nước đối với DNNN theo hướng, cơ quan hoạch định chính sách không đồng thời thực hiện chức năng chủ sở hữu DN. Thực chất là tách chức năng quản lý Nhà nước ra khỏi chức năng chủ sở hữu DN, tránh hiện tượng quản lý theo kiểu Nhà nước “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Luật DN cũng quy định rõ nguyên tắc này.
Để bảo đảm luật định đưa vào cuộc sống, Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước đã ra đời để thi hành quyền chủ sở hữu một cách chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả nhất.
Thế nhưng, giữa luật và thực tiễn quả là bao giờ cũng có một khoảng cách khá xa. Vì “Mọi lý thuyết đều mầu xám. Chỉ cây đời mãi mãi xanh tươi”. Tiếc thay, ở đây thực tiễn cũng… xam xám nốt. Bởi cho đến giờ, Tổng Công ty (SCIC) vẫn than vãn, riêng khâu đầu tiên- chuyển vốn về để quản lý đã trắc trở, rất khó khăn. Việc đổi mới cung cách quản lý DNNN rất trì trệ, thì hiệu quả hoạt động và chất lượng DNNN cũng rất ì ạch.
Thực tiễn này khiến người viết bài đặt 3 câu hỏi:
- Chúng ta đang quá “hổng” mảng lý luận mang tính nền tảng, định hướng cho kinh tế thị trường?
- Tư duy quản lý kinh tế kiểu bao cấp xin- cho vẫn ngự trị, luồn lách ngay trong cung cách điều hành quản lý Nhà nước?
- Lợi ích nhóm chi phối khéo léo?
Nhưng nhiều chuyên gia kinh tế đặt vấn đề lợi ích nhóm nhiều hơn. Cứ nhìn bức tranh kinh tế thị trường hiện tại sẽ thấy rất rõ.
Bên cạnh DNNN có DN cổ phần hóa, DN tư nhân. Bên cạnh DN trong nước, có DN liên doanh vốn nước ngoài. Bên cạnh DN lớn, có doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Vậy nhưng nếu các DN vừa và nhỏ loay hoay chống đỡ cơn bão lạm phát, tìm vốn, tìm đầu ra cho sản phẩm, thì các DN lớn lại luôn “làm mình, làm mẩy”, hoặc có thua lỗ “Nhà nước vẫn chìa tay” – theo cách nói của các đại biểu QH tại cuộc thảo luận sáng 4/8 (Kỳ họp QH khóa XIII) về tình hình kinh tế – xã hội.
Đến độ có đại biểu nêu: “DNNN cần huy động vốn thì báo lãi, cần tăng giá lại báo lỗ… Vậy bản chất kinh doanh lãi hay lỗ, lãi thật hay giả, lỗ thật hay giả?”.
Điều đó, tạo nên sự bất bình đẳng giữa các DN, chứ không phải tài năng hơn kém giữa họ.
Ngay cả các chuyên gia kinh tế nước ngoài của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng tư vấn, thúc giục phải tiếp tục cải cách khu vực kinh tế này.
Giật mình, quốc gia đang tiến tới hội nhập văn minh, vậy nhưng cách điều hành và quản lý kinh tế của chúng ta lại “Tam đại đồng đường” kiểu … “Hai lúa”! Đứa con trưởng- DNNN có kém cỏi, làm thiệt hại Nhà nước đến mấy vẫn được ưu ái, yêu chiều, bởi nó là cây gậy?
Hay bởi vị thế và cả những khuyết tật của nó đang tạo ra lợi ích của không ít người?
Thi toán quốc tế và bài toán quốc gia
Đỉnh điểm của những bất ổn trong cơ chế quản lý kinh tế- khiến các DNNN làm mưa làm gió, được đánh dấu bằng cuộc khẩu chiến hiếm có giữa Bộ Tài chính và Bộ Công thương, cùng DN xăng dầu lớn nhất- Petrolimex, tại hội thảo “Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường ở VN hiện nay” (ngày 20/9 tại Hà Nội).
Có lẽ trước áp lực dư luận xã hội, 2 Bộ- Tài chính và Công thương mới đây đã trần tình trên báo chí rằng, không có bất đồng trong điều hành giá xăng dầu. Nhưng bản chất của chuyện khẩu chiến tại hội thảo vừa qua vẫn là… không đồng tình với nhau về giá xăng, giữa 2 bộ, và các DN trực thuộc Bộ Công thương.
Một bên dọa bỏ cuộc không kinh doanh và một bên…không hề sợ, với tuyên bố sắc như móng tay nhọn bóc vỏ quýt dày: “Nếu doanh nghiệp nào không làm được thì rút lui. Kể cả Petrolimex, nếu không làm được chúng tôi sẵn sàng cho giải tán để lập tổng công ty khác. Nhà nước không dọa ai và cũng không ai dọa được Nhà nước”. Phải được chiều chuộng, ưu ái đến thế nào thì một DN mới dám dọa cả Nhà nước?
Xét cho cùng, nó là hệ lụy của một nền kinh tế thị trường nhưng không có cạnh tranh?
Thế nên người viết bài cho rằng, sẽ không thể có khẩu chiến về giá xăng tại hội thảo, nếu như trong thực tế, xăng dầu- lĩnh vực cốt tử của quốc gia, không chỉ do 3 DNNN lớn- Petrolimex, Saigon Petro và PVOil- độc quyền, chiếm tới 80-90% thị phần. Chỉ vì thế độc quyền, và chưa có thị trường cạnh tranh, các DNNN thả sức với dân:”Bắt cởi trần phải cởi trần/ Cho may ô mới được phần may ô”
Sẽ không thể có khẩu chiến, nếu như sự giải trình lỗ, lãi của DNNN lớn như Petrolimex không có sự tù mù kỳ lạ và khó hiểu. Liên tục kêu lỗ, nhưng khi để trở thành một công ty cổ phần, trong bản cáo bạch tài chính thu hút các nhà đầu tư, người ta lại thấy Petrolimex công bố liên tục lãi. Năm 2008: Hơn 900 tỉ đồng, năm 2009: Gần 3,000 tỉ đồng, năm 2010: Lãi 81 tỉ đồng, và năm 2011: Dự kiến lãi khoảng 600 tỉ đồng.
Hóa ra kinh doanh lỗ, lãi phụ thuộc vào… “cái lưỡi”, không phụ thuộc vào lợi nhuận thực chất.
Đến người dân thường cũng không thể tin vào cách tính kiểu này, chưa nói đến Bộ trưởng Tài chính, một người có thâm niên và kinh nghiệm trong kiểm toán.
Sẽ không thể có khẩu chiến, nếu như không có câu trả lời tù mù của đại diện Petrolimex, về câu hỏi xăng lỗ bao nhiêu, dầu lỗ bao nhiêu? Đây là 2 mặt hàng chủ đạo của họ, mà với cách tính thiếu khoa học- gói trọn tổng doanh thu của tất cả các mặt hàng chủ đạo và phụ trợ, trừ đi tổng chi phí để tạo ra một kết quả lỗ chung của DN, Bộ trưởng Tài chính phải nghi ngờ Ban Quản trị của Tổng Công ty có vấn đề.
Sự can thiệp và không đồng ý tăng giá xăng của Bộ trưởng Tài chính không chỉ chứng tỏ ông đứng về phía lợi ích của hơn 80 triệu dân. Mà ông còn phải làm nhiệm vụ của chính Bộ mình- gắng kiềm tỏa lạm phát đang lồng lộn phi mã. Nếu giá xăng lên, sẽ kéo theo rất nhiều mặt hàng khác tăng theo, có thể con ngựa lạm phát đứt dây cương, thật nguy hiểm.
Duy nhất có một người, biết làm cho bạn đọc… cười vì cái sự hơi ít văn hóa. Đó là ông N.L.A, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương). Có vẻ như ông này muốn “xả thân” bênh vực các sếp của mình, bênh vực chủ trương đòi tăng giá xăng của các DN đến tận cùng, khi mỉa mai: “Tôi nghe tin cứ nghĩ Bộ Tài chính bị làm sao“.
Và để mọi người biết về trí thông minh của mình, ông khoe mẽ: “Tôi không giỏi nhưng cũng đi thi toán quốc tế…”. Hơi buồn cười cho ông vì chả hiểu làm sao, mới đây Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD (Bộ GD) cho biết năm 1982, không có học sinh nào đi thi Olimpic toán Quốc tế có tên như ông (chỉ có 4 người: Lê Tự Quốc Thắng, Trần Minh, Ngô Phú Thanh và Nguyễn Hữu Đoàn).
Cũng có thể ông mới ở trong đội tuyển chọn thì… bị loại từ trong nước.
Đến nước này, thì bạn đọc lại bảo: “Ông Vụ phó này làm sao í nhỉ?”. Chả trách Bộ trưởng Vương Đình Huệ dạy lại ngay tại hội thảo: “Dù học nhiều nhưng cần có kiến thức thực tế”. Chí lý!
Dẫu sao, người viết bài vẫn tin ông là người thông minh, tuy “nổ” không phải chỗ. Nếu từng đi thi toán quốc tế, xin ông thử giải bài toán cấp quốc gia và… cấp DN:
Vì sao giá cả, trong đó có giá xăng tăng vùn vụt đến chóng mặt, còn giá trị văn hóa, con người, giáo dục, giá trị đạo lý xã hội, giá trị niềm tin lại…tụt nhanh đến thế?
Vì sao người dân không chỉ hoài nghi về cách tính giá xăng tù mù, thiếu minh bạch của DN, người dân còn hoài nghi về “lợi ích” được mất xung quanh chuyện bảo vệ cho việc tăng giá này?
Vì sao Bộ Công thương cũng không thể kiểm soát được hiện tượng các cửa hàng bán xăng luôn ăn cắp, ăn bớt xăng của khách hàng. Giá đã cao, khách hàng lại bị bòn rút, rút cục, họ bị thua thiệt tới 2 lần?
Dù vậy, chuyện khẩu chiến giữa 2 bộ và các DNNN xăng dầu có thể sẽ qua đi. Nhưng nếu sự độc quyền kinh doanh của các DN lớn vẫn tồn tại, nếu cơ chế quản lý chồng chéo đầy bất ổn vẫn hiển nhiên và đằng sau nó là các “con tin” của các đại gia, như cách nói của một nhà báo có tên tuổi, thì đương nhiên sẽ có những Bộ trưởng như ông Vương Đình Huệ.
Nhưng có một Bộ trưởng thẳng thắn vẫn không bằng có một cơ chế quản lý phù hợp thực tiễn kinh tế xã hội, được lòng dân và thực sự vì dân.
Làm quan: “Lập danh, lập nghiệp, lập ngôn”
Có lẽ vì tâm đắc với những phát ngôn thẳng thắn của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, trong dàn những Bộ trưởng của Chính phủ mới, trên Vnexpress ngày 27/9 có bài viết : “Các tân Bộ trưởng đã dám thể hiện cá tính”.
Chợt nghĩ tới câu tổng kết của dân gian: “Lập danh, lập nghiệp, lập ngôn”.
Trong 3 lập ấy, lập ngôn là khó nhất. Khó vì “ngôn” phải tỉnh táo, sáng suốt, khôn ngoan, để thiên hạ “người trên trông xuống, người ta trông vào” tâm phục, khẩu phục khỏi cười chê.
Làm người có 3 cái lập ấy đã khó, làm quan còn khó đến đâu!
Đứng dưới ít người, đứng trên muôn người, có danh, có tiếng, có quyền, có lợi, làm quan quả là nghề hấp dẫn. Chả thế từ cổ chí kim, bao tấn bi hài kịch xoay quanh cái nghề đặc biệt này.
Nhưng làm quan cũng lắm khổ ải. Vinh đấy, và tủi hổ đấy! Quyền đấy, và bất tín đấy!
Có những vị quan “lập ngôn” quá dễ dãi, ngớ ngẩn, khiến thiên hạ cười chê- IQ cao! IQ cao lẽ ra phải là sự ngợi khen, lại là sự chê cười. Tại sao? Hay… cái nước Việt mình nó thế! (mượn lời cố GS Hoàng Ngọc Hiến)
Nhưng hãy chú ý hiện tượng này: Nếu sự “lập ngôn” của các quan chức vốn rất dè dặt, mang đặc điểm của một cơ chế lãnh đạo tập thể. Thì dường như càng ngày, sự “lập ngôn” của các quan chức càng mang đặc điểm cá tính, năng lực tư duy và trách nhiệm cá nhân của họ, nhất là với lĩnh vực dân đang bức xúc. Đó là điểm đáng mừng.
Một đặc điểm khác: Họ đều xấp xỉ 50- 51, cái tuổi đã tích lũy nhiều kinh nghiệm sống, được đào tạo bài bản, lại kinh qua nhiều nhiệm vụ từ cơ sở. Thời đại thế giới phẳng cho họ rất nhiều thông tin, và tư duy buộc phải luôn trẻ hóa, để thích ứng với bổn phận.
Hãy thử nghe Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng thẳng thắn: “Bộ trưởng là tư lệnh lĩnh vực ngành, phải cho tôi toàn quyền…Bộ GT sẽ tập trung giải quyết 3 khâu đột phá chiến lược. Thứ nhất, đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông.Thứ hai, tình trạng tai nạn giao thông. Thứ b, ùn tắc giao thông… Tôi cho rằng khi đất nước có đủ điều kiện mới làm đường sắt cao tốc…. Sẽ ưu tiên đầu tư đường bộ cao tốc Bắc Nam, nâng cấp đường sắt hiện có, cân đối phát triển đường quốc lộ, tỉnh lộ, giao thông nông thôn”. Những phát ngôn của ông khá ấn tượng và rõ ràng khá hợp lòng dân.
Và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình: “Sẽ đưa lãi suất về 17-19% trong vòng hai tháng kể từ ngày nhậm chức“. Đi kèm với thông điệp mạnh mẽ về lãi suất, ông đưa ra một loạt chính sách, biện pháp mạnh tay đối với những cá nhân và tổ chức vi phạm. Kết quả, lãi suất cho vay đã bắt đầu hạ dù chưa thiết lập một mặt bằng ổn định.
Còn khi Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ không chấp nhận tăng giá xăng, lục lại phát ngôn của ông sau nhậm chức, thấy rằng ông đang thực hiện những điều đã tuyên bố: Sẽ lập lại trật tự trên thị trường xăng dầu, công khai minh bạch các khoản lỗ, lãi trong lĩnh vực vốn nhạy cảm, rất tác động tới đời sống nhân dân này.
Dĩ nhiên, mới 2 tháng trôi qua- một đoạn rất ngắn của nhiệm kỳ. Từ phát ngôn ấn tượng đến hành động ấn tượng cũng còn cần rất nhiều sự kiểm chứng của thực tiễn.
“Lập danh” đã thành. “Lập ngôn” nhiều Bộ trưởng đã có. Nhân dân đang trông chờ vào sự “lập nghiệp”- hành động cụ thể của các Bộ trưởng trong Chính phủ mới. Nhân dân vốn “nghìn mắt, nghìn tai” và nhân dân cũng luôn biết sát cánh với những Bộ trưởng biết vì nước, vì dân.
Một Bộ trưởng thực tài, thực tâm không bằng một cơ chế quản lý văn minh và minh bạch. Nhưng chắc chắn sẽ hữu hiệu hơn nữa, nếu một cơ chế quản lý văn minh, minh bạch có các Bộ trưởng thực tài, thực tâm.
Kim Dung. VNN – Tuần Việt Nam.