Biểu tình phản kháng luôn luôn là cách thức để lôi kéo sự chú ý của công chúng vào một vấn đề gì đó và tìm kiếm sự ủng hộ cho những giải pháp đưa ra. Phong trào “Chiếm lấy phố Wall” làm được điều thứ nhất nhưng thất bại ở điều thứ hai.
Đến nay ai cũng biết “Chiếm phố Wall” là một cách nói, một cách hành động để biểu lộ sự bất mãn sâu sắc tình trạng phân hóa giàu nghèo, giữa 1% dân số giàu nhất và 99% số người còn lại. Theo nhà kinh tế đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz trong một bài báo mang tựa đề “Của 1%, Do 1%, Vì 1%”, một phần trăm dân số giàu nhất nước Mỹ đang sở hữu đến 40% tài sản nước này. Tệ hại hơn, người giàu ngày càng giàu hơn và dĩ nhiên khi tổng thu nhập quốc dân thay đổi không đáng kể thì người nghèo buộc phải càng nghèo đi. Năm 1980, 1% người giàu nhất chiếm 9% có tổng thu nhập nước Mỹ thì đến năm 2006, họ chiếm gần đến 19%.
Phong trào “Chiếm phố Wall” lan ra khắp thế giới, chứng tỏ chuyện phân hóa giàu nghèo không chỉ giới hạn vào nước Mỹ và sự bất mãn của người dân không chỉ tập trung vào phố Wall.
Sự phẫn nộ của người dân có lẽ bùng phát từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu từ năm 2008, lúc hàng ngàn tỷ tiền đóng thuế của người dân được tung ra để cứu lấy hệ thống ngân hàng và các tập đoàn tài chính. Những tưởng sau đó, kinh tế phục hồi, mọi chuyện đâu vào đó nhưng nước Mỹ và nhiều nước khác vẫn đang đối diện nạn thất nghiệp cao ngất, kinh tế vẫn đình trệ và giới ngân hàng vẫn tự thưởng cho mình hàng chục triệu đô-la mỗi người. Thử hỏi không ai không bất mãn trước tình thế đó.
Nhưng vấn đề là làm gì để giải quyết nạn bất bình đẳng trong thu nhập thì không ai có thể đưa ra câu trả lời hoàn hảo. Lấy ví dụ chuyện trả thu nhập cho giới đứng đầu các tập đoàn tài chính. Chính các khoản lương thưởng cao ngất cho một số ít người đứng đầu là động lực thúc đẩy sự hoạt động với hiệu quả cao nhất của các tập đoàn này, là thanh nam châm thu hút người tài vào khu vực này và là củ cà rốt đòi hỏi mọi người ganh đua nhau làm việc tận lực với hy vọng ngày nào đó họ sẽ đến đích, bỏ túi được những khoản thưởng hậu hĩ. Nếu bỏ cơ chế trả lương thưởng cao trong nền kinh tế thị trường, chúng ta xóa đi một động lực rất lớn và trong bối cảnh kinh tế ngày càng tệ hại, không ai dám và không ai muốn làm chuyện đó cả.
Tuần trước báo chí mới tiết lộ Steve Jobs, nhà doanh nhân huyền thoại vừa mới qua đời, khi gặp Tổng thống Obama vào năm ngoái, đã tiên đoán thẳng, Obama sẽ chỉ là tổng thống một nhiệm kỳ. Đó là bởi Jobs phản đối những biện pháp kiểm soát thị trường mà Obama đang cố gắng áp dụng. Một con người từng được xem là cấp tiến như Stev Jobs mà khi quyền lợi doanh nghiệp bị đe dọa vẫn lên tiếng phản ứng thì làm sao các chính trị gia, những người phụ thuộc rất nhiều vào nguồn quỹ vận động từ doanh nghiệp, dám áp dụng biện pháp gì để xóa bớt sự bất bình đẳng trong thu nhập.
Thật ra thủ phạm sâu xa của hố sâu giàu nghèo ở các nước chính là lòng tham của giới tài phiệt lợi dụng quá trình toàn cầu hóa diễn ra trong những thập niên qua. Thoạt tiên, toàn cầu hóa được xem là con đường tối ưu hóa sản xuất trên bình diện toàn cầu, là sự phân công lại nguồn lực lao động và sự phân bổ vai trò cho các nước. Các khâu sản xuất cần nhiều công nhân được chuyển dần sang các nước nghèo; nước giàu chỉ còn giữ các khâu dịch vụ, được định giá cao hơn nhiều lần. Nhìn ở góc độ tích cực, toàn cầu hóa đã nâng cao mức sống của hàng trăm triệu con người ở những nước đang phát triển nhưng ngược lại, nhìn từ các nước phương Tây, hàng loạt ngành công nghiệp lần lượt bị dẹp bỏ, công nhân thất nghiệp tràn lan, nhiều thành phố công nghiệp bị bỏ hoang, nhiều kỹ năng biến mất. Và dĩ nhiên trong quá trình chuyển biến này, giới tư bản hưởng lợi nhiều nhất vì đã tối đa hóa được lợi nhuận, bất kể biên giới địa lý.
Để có thể dễ hình dung, chúng ta cứ tưởng tượng toàn trái đất này là một ngôi làng, mọi người được quyền di chuyển dễ dàng để sống ở bất kỳ nơi đâu như trong một câu chuyện khoa học viễn tưởng. Toàn cầu hóa như vừa qua ắt, trên lý thuyết, sẽ dẫn đến chỗ nhiều công nhân các nước giàu sẽ phải di cư sang những nước nghèo để kiếm việc làm thích hợp với họ và chịu một mức sống giảm sút. Nhưng chính ở những nước nghèo, toàn cầu hóa cũng làm trình trạng chênh lệch giàu nghèo nhanh chóng nảy sinh; những người thợ luôn phải chịu đồng lương thấp còn giới chủ vẫn hưởng thu nhập trên trời. Những năm trước khủng hoảng, tình trạng bất bình đẳng còn chịu đựng được vì phương Tây định giá trị các khâu dịch vụ trong chuỗi sản xuất toàn cầu rất cao. Chúng ta đều biết giá trị gia công giày Nike hay quần áo thời trang rất thấp so với giá bán cao ngất của chúng vì đa phần chạy vào chi phí thiết kế, quảng cáo, tiếp thị… Nhưng dần dần phương Tây mới hiểu ra năng suất trong dịch vụ không thể tăng bằng tốc độ tăng của sản xuất – chênh lệch này vì cạnh tranh sẽ giảm và cuối cùng thu nhập, định đoạn bởi năng suất sau cùng, giảm trên chung cuộc.
Ai cũng muốn nền kinh tế nước mình đi vào công nghệ cao, làm chuyện to lớn chứ không mắc kẹt vào dây chuyền sản xuất cổ lỗ. Nhưng nếu nhìn vào sự phát triển của nước Mỹ trong những năm qua chẳng hạn, chúng ta sẽ thấy một bức tranh méo mó. Theo số liệu của tờ Economist, tổng cộng các hãng danh tiếng nhất nước Mỹ hiện nay gồm Apple, Google, Facebook và Amazon chỉ có 113.000 nhân viên, bằng một phần ba lượng nhân viên của hãng GM vào năm 1980. Người Mỹ thường đem những tên tuổi này ra để trấn an mọi người rằng nước Mỹ hiện vẫn dẫn đầu trong thế giới kinh doanh, với những sáng kiến làm ăn không ai vượt qua, với những sản phẩm cả thế giới phải trầm trồ. Sự thật là giá trị các hãng này đem lại cho nước Mỹ không lớn như các đại gia thời trước như GM, Ford, Caterpillar, General Electric hay Kodak. Họ không tạo ra sự thịnh vượng cho cả một cộng đồng mà chỉ đem lại tiền tỷ cho một số ít người đứng đầu các tập đoàn này.
Thế nhưng, cả thế giới đã lậm sâu vào con đường phân công theo mô hình toàn cầu hóa, không thể một sớm một chiều mà thay đổi gì được. Đó là lý do vì sao Phong trào “Chiếm Phố Wall” cho đến nay vẫn chưa đưa ra được một giải pháp gì cho sự phản kháng của họ.
Theo blog NVP
Nguyễn Vạn Phú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét