Trước hết là nước Pháp. Thật ra, danh từ “constitution” – mà ta dịch là hiến pháp – đã có từ lâu, ngay dưới thời Trung cổ, nhưng không mang ý nghĩa như sẽ có về sau. Cho đến Cách Mạng 1789, nước Pháp sống dưới chế độ quân chủ, với ông vua có toàn quyền, nhưng ngay từ trong lý thuyết, quyền của ông gặp phải một hạn chế: ông phải tuân theo những “luật căn bản của vương quốc”. Các luật này rất hiếm, và hồi đó chưa có phương thức gì cụ thể để buộc ông phải tuân theo, nhưng trên thực tế, chế độ quân chủ ở Pháp không đến nỗi “tuyệt đối” như ta nghĩ, và ngay cả ông vua đã từng tuyên bố “Quốc Gia là Trẫm” – Louis 14 – so với các nhà độc tài ngày nay hãy còn nhẹ ký lắm. Ngoài những “luật căn bản của vương quốc” mà quan trọng nhất là sự thỏa thuận của dân chúng về thuế má, quyền hành “tuyệt đối” của ông vua còn gặp phải một vài giới hạn khác do sự hiện diện của một vài định chế phong kiến nằm trung gian giữa vua và dân: các hội đoàn, đoàn thể nghề nghiệp, các thành phố… mà tập tục cổ truyền đã trao cho những đặc quyền, và những đặc quyền ấy được sử dụng một cách bền bỉ, dai dẳng, đối kháng với quyền của vua. Hơn nữa, các Tòa Án cũng có một quyền đặc biệt, từ đó mà dần dần phát triển lên thành quyền chính trị: đó là quyền đăng bạ những sắc dụ của ông vua; sắc dụ chiếu chỉ chỉ được thi hành sau khi được đăng bạ. Các ông Tòa không do vua bổ nhiệm nên vua không áp đảo được họ; cái chức vị ấy là họ mua. Đồng tiền ban chức tước, nhưng đồng tiền cũng ban độc lập mà họ cực lực bảo vệ để trở thành một quyền thực sự. Cuối cùng, tập tục buộc ông vua phải được sự thỏa thuận của một cơ quan thực sự đại diện của dân, một Đại Hội đại biểu tập hợp ba giai tầng xã hội: tăng lữ, quý tộc, bình dân. Dù cho Đại Hội này không được triệu tập từ 1614 đến 1789, trên lý thuyết, sự thỏa thuận vẫn là nguyên tắc mà quân quyền không chối bỏ.
Vậy thì, trong thời gian tiền Cách Mạng, nước Pháp ở trong cái thế tranh chấp dai dẳng, tuy chẳng quân bình, giữa ông vua và các cơ quan đối trọng mà quan trọng nhất là các Tòa Án. Ông vua xác quyết chủ quyền tuyệt đối của mình; các nhà luật học tiến bộ nhấn mạnh trên sự thỏa thuận để cai trị. Họ nói: thỏa thuận có nghĩa là ông vua không được đứng trên luật pháp, và do đó quyền của ông vua không phải tuyệt đối mà là có giới hạn. Nói một cách khác, nước Pháp ở trong cái thế tranh chấp giữa chủ thuyết quyền tuyệt đối của vua và chủ thuyết hiến pháp, hiến định. Trong tranh chấp lý thuyết đó, bên nào cũng viện dẫn “hiến pháp quân chủ”, nhưng một bên nhấn mạnh quân chủ, một bên nhấn mạnh hiến pháp, chính sự dằng co giữa hai quyền lực, của vua và của Tòa Án, diễn tả bản chất của hiến pháp lúc đó. Ngã hẳn về phía vua chăng? Vua sẽ thành chuyên chế. Ngã hẳn về phía các Tòa Án chăng? Ông vua sẽ không hơn gì vua nước Anh, có tiếng mà không có miếng. Trên thực tế, mặc dầu cố gắng của các nhà luật học, nước Pháp đã không đi vào được con đường hạn chế quyền lực thực sự như ở Anh hồi thế kỷ 17. Các Tòa Án, cũng như Đại Hội đại biểu ba thành phần, không đủ sức để vượt qua quyền của vua. Nhưng đặc tính dằng co vẫn được duy trì kể cả trong lý thuyết, ngay cả về phía các lý thuyết gia chính thống của quân quyền. Jean Bodin, cực lực thuyết minh chủ quyền của vua là thế, mà cũng không diễn dịch “hiến pháp quân chủ” như là độc đoán, độc tài, cũng phân biệt “quân chủ vương giả” khác với quân chủ “bạo ngược”, cũng nói rõ “quyền lực tuyệt đối” không phải là “quyền lực tùy tiện”.
Montesquieu, khái niệm “hiến pháp” gắn liền với ý tưởng tự do và phân quyền mà ông suy ra và sáng tạo thêm từ chế độ chính trị của nước Anh. |
Chính trong bối cảnh chính trị của một nước Pháp quân chủ, hạn chế trên thực tế nhưng vẫn tuyệt đối trên lý thuyết, mà tác phẩm “Tinh yếu của luật pháp” (“Esprit des lois”) của Montesquieu ra đời, đánh dấu một bước ngoặt quyết định trong lịch sử của khái niệm hiến pháp. Từ đây, từ năm 1748, danh từ “hiến pháp” mới thực sự có ý nghĩa hiện đại. Điểm đầu tiên phải lưu ý là Montesquieu xây dựng một lý thuyết tự do trong một không khí quyền lực tuyệt đối. Tự do là bà mẹ trong tác phẩm. Nhưng, như ông nói, tác phẩm không được sinh ra từ một bà mẹ tự do. Đó chính là điểm đặc sắc tuyệt cú của Montesquieu. Với Montesquieu, khái niệm “hiến pháp” gắn liền với ý tưởng tự do và phân quyền mà ông suy ra và sáng tạo thêm từ chế độ chính trị của nước Anh. Chương 11 của tác phẩm ghi rõ trong tiêu đề: “Về những luật tạo nên tự do trong mối tương quan giữa tự do và hiến pháp”. Tương quan gì? Chỉ có tự do khi hiến pháp hạn chế quyền lực. Không ai không biết câu viết này, sáng chói như chân lý, ngọn hải đăng của thế kỷ 18: “Kinh nghiệm muôn thuở cho biết bất cứ ai có quyền lực đều có khuynh hướng lạm dụng quyền lực; lạm dụng cho đến mức gặp phải giới hạn”. Vậy vấn đề là phải đặt ra giới hạn. Phân quyền nhắm mục đích ấy, bởi vì, lại một chân lý nữa,“quyền lực ngăn chận quyền lực” để quyền lực không nằm trọn trong một nắm tay.
Vậy, với Montesquieu, hiến pháp mang một ý nghĩa chính trị: hiến pháp tổ chức nhiều quyền lực trong nhà nước và tương quan giữa các quyền lực đó với nhau để quyền lực, một hiện tượng đáng sợ, trở thành ôn hòa. Một chính thể ôn hòa là một chính thể tốt nhất, như Aristote đã quan niệm từ thời cổ đại Hy Lạp.
Với Montesquieu, hiến pháp mang một ý nghĩa chính trị: hiến pháp tổ chức nhiều quyền lực trong nhà nước và tương quan giữa các quyền lực đó với nhau để quyền lực, một hiện tượng đáng sợ, trở thành ôn hòa. Một chính thể ôn hòa là một chính thể tốt nhất, như Aristote đã quan niệm từ thời cổ đại Hy Lạp. |
Tác phẩm của Montesquieu làm dấy lên cả một trào lưu trí thức nâng danh từ “hiến pháp”, từ chỗ chưa có ý nghĩa rõ ràng, lên địa vị vinh quang của khái niệm, đề tài của mọi tranh luận, mục tiêu của mọi tranh đấu nhắm hạn chế quyền hành. Sau 1750, các Tòa Án ở Pháp tận dụng quyền phản biện (droit de remontrances) sẵn có để bày tỏ ý kiến về các sắc dụ chiếu chỉ của vua và để bảo vệ những quyền căn bản mà họ không còn xem như của vương quốc nữa mà là của cả dân tộc và chính họ là cơ quan nắm giữ. Trong một phản biện của Tòa Án Rennes năm 1757, quyền của vua và quyền của các Tòa Án được diễn tả trong ý nghĩa mới đó của “hiến pháp”: “Do một quyền thiêng liêng có sẵn nơi địa vị của Hoàng Thượng, bất khả truyền, bất khả trao cho ai khác, Hoàng Thượng là nguồn gốc của mọi pháp chế. Nhưng do một hiến pháp căn bản của nền quân chủ, Tòa Án của Hoàng Thượng là hội đồng cần thiết để luật được kiểm tra, là cơ quan để luật được ban hành, là người bảo đảm cho sự minh triết của luật, là nơi đăng bạ để duy trì và thi hành luật, bởi vì từ xưa đến nay Tòa Án là người cộng sự thiết yếu của Hoàng Thượng, nhờ đó việc cai trị được văn minh và gìn giữ”.
Cùng với quan niệm mới về hiến pháp của Montesquieu, các Tòa Án nới rộng phạm vi của những “luật căn bản” và định nghĩa như là “những luật liên quan đến việc tổ chức các quyền trong chế độ quân chủ”. Một tác giả quý tộc – marquis d’Argenson – dám so sánh ví von thế này: “Dân tộc ở trên các ông vua như Nhà Thờ công giáo ở trên giáo hoàng”. “Luật căn bản”, “hiến pháp”, “quyền của Dân Tộc”, các yếu tố đó trộn lẫn với nhau trong một luận thuyết nhằm chống lại luận thuyết quyền lực tập trung của vua. Từ “hiến pháp” càng ngày càng được dùng trong tranh luận, với ý nghĩa chính trị như đã nói ở trên, “như là một dụng cụ có khả năng giới hạn vương quyền để bảo vệ một trật tự siêu việt vương quyền”.Tòa Án có mặt từ lâu trong lịch sử nhưng bây giờ mới cố gắng nâng mình lên trong thử thách để hiện diện như là đối trọng của vương quyền. Ý niệm đối trọng dần dần đi vào ý nghĩa của hiến pháp.
Tuy vậy, tất cả những tranh luận lý thuyết và thử thách thực tế trên đây vẫn không làm lung lay được một vương quyền cứng rắn. Khái niệm hiến pháp thay đổi, nhưng vẫn mang ý nghĩachính trị, chưa được diễn dịch cụ thể ra thành ngôn ngữ luật pháp có khả năng tạo nền móng cho những quyết định pháp lý. Khác với nước Anh mà tập tục chính trị dần dần được thay đổi để chế độ quân chủ đổi mới trong ôn hòa, ở Pháp, cánh cửa không mở ra được vì vương quyền khóa chốt. Các Tòa Án nại quyền của Dân Tộc? Ông vua trả lời Ta đây, và chỉ Ta đây mới có quyền bảo vệ những “luật của lịch sử”. Một bên là hiến pháp trong nghĩa tự do của Montesquieu, một bên là những “luật căn bản của vương quyền” diễn dịch theo điệp khúc cũ. Để ý nghĩa chính trị của hiến pháp có được nội dung pháp lý hữu hiệu, phải đợi 1789. Thế thôi, có ai bao giờ đoán trước được Cách Mạng sẽ đến đâu? Ai đoán trước được ông vua toàn quyền thế kia – Louis 16 – có ngày mất tiêu cái chỗ đội mũ – đội vương miện?
Với Cách Mạng 1789, một lý thuyết gia lừng lẫy khác, Sieyès, giải quyết tranh chấp giữa “hiến pháp” và “những luật căn bản của vương quyền” một cách trọn vẹn và cách mạng. Ông giải quyết bằng cách từ bỏ luận cứ quyền lịch sử để lập luận trên quyền thiên nhiên. Từ đây, tranh luận lý thuyết không còn xoay quanh giữa quyền “tuyệt đối” và quyền “tùy tiện” nữa, mà tập trung trên “chính thể hiến pháp” và “quyền bính chuyên chế”: một bên có giới hạn do hiến pháp định, một bên vô giới hạn. Từ đây, hiến pháp có thêm một nội dung luật pháp để cụ thể hóa ý nghĩa chính trị. Biến chuyển này xảy ra được một phần lớn là nhờ ảnh hưởng của Cách Mạng Mỹ. Mười ba thuộc địa của Anh ở châu Mỹ nổi dậy giành độc lập, xây dựng một chế độ chính trị riêng, ghi nhận long trọng trong một văn bản được chấp thuận năm 1787 ở Đại Hội đại biểu Philadelphia. Đứng về phương diện khái niệm hiến pháp mà nói, họ nổi dậy chống lại cái gì cụ thể? Chống lại một số luật bất công, nhất là luật thuế má, của Quốc Hội Anh mà họ cho là trái với các hiến chương thuộc địa. Để chống lại các luật đó, họ nảy ra cái tư tưởng này: có các quyền không thể sửa đổi được, các quyền đó phải được ghi rõ trong một thứ luật khác cao hơn, tức là hiến pháp thành văn, có hiệu lực pháp lý, nghĩa là bắt buộc. Đừng quên rằng trong thời gian ấy, mẫu quốc của họ là nước Anh, và nước Anh chỉ có một thứ luật thôi là luật do Quốc Hội làm ra, không có hiến pháp thành văn. Làm luật được thì sửa đổi luật cũng được. Bởi vậy, cái ý nghĩ phải có một thứ luật cao hơn mọi luật khác, được ghi chép hẳn hoi thành văn bản, là ý nghĩ cách mạng, đưa khái niệm hiến pháp vào thời đại mới. Ý nghĩ đó bay ngược qua Đại Tây Dương, hạ cánh xuống Cách Mạng Pháp, giải quyết rốt ráo tranh chấp giữa “hiến pháp” và “những luật căn bản của lịch sử”. Cả hai khái niệm được trộn lẫn với nhau thành một trong một văn bản, được soạn thảo và chấp nhận một cách đặc biệt, văn bản ấy luật hóa một khái niệm trước đây còn mang tính chính trị.
“Hiến pháp là một văn bản không phải của chính quyền mà là của dân chúng tạo ra một chính quyền, và một chính quyền không có hiến pháp là một chính quyền không có luật”.
Thomas Payne
|
Ngày nay, ta khó thấy ý nghĩ đó là tuyệt tác vì đã quá quen với cái từ “hiến pháp”. Lúc đó, từ “hiến pháp” hãy còn lẫn lộn với từ “chính phủ”, “chính quyền”, hai bên không khác nhau cho đến trước ngày Cách Mạng Mỹ. Một nhân vật quý tộc Pháp, trong một thư viết cho vua, đã thốt ra một câu tiêu biểu: “Làm sao người ta có thể đồng thời vừa là bạn của chính quyền vừa là kẻ thù của hiến pháp được?” Từ đây, gió lốc cách mạng thổi bay từ “gouvernement” ra khỏi từ “constitution”. Yêu vợ không phải là yêu bồ. Hai vợ không phải đều là vợ cả. Thomas Payne, lý thuyết gia nổi bật của Cách Mạng Mỹ, nói rõ: “Hiến pháp là một văn bản không phải của chính quyền mà là của dân chúng tạo ra một chính quyền, và một chính quyền không có hiến pháp là một chính quyền không có luật”. Ông nhắc lại lần nữa: “Một hiến pháp là một điều có trước chính quyền, và một chính quyền chỉ là con đẻ của một hiến pháp. Hiến pháp của một nước không phải là văn bản của một chính quyền mà là của dân chúng tạo ra một chính quyền”.
Chủ quyền đã thuộc về dân thì việc làm ra hiến pháp không phải là việc của một cơ quan nào mà là việc của toàn dân: từ đó lý thuyết về một “quyền lập hiến” được chế ra thành luật. |
Giữa hai bờ Đại Tây Dương, khái niệm hiện đại về hiến pháp thành hình nhờ ảnh hưởng qua lại giữa Montesquieu và Cách Mạng Mỹ. Montesquieu ngại quyền lực. Các thuộc địa ở Mỹ, ngay từ hồi nổi dậy, cũng đã nhìn quyền lực như thế qua ông vua George III, tuy rằng hồi đó vua đã bắt đầu mất thực quyền trong chế độ chính trị nước Anh. Cũng từ Montesquieu, lý thuyết phân quyền được thực hiện tại Mỹ, và áp dụng chặt chẽ hơn cả ở châu Âu vì Quốc Hội không thể buộc Tổng Thống từ chức, Tổng Thống không thể giải tán Quốc Hội. Ngược lại, từ Mỹ, việc luật hóa lý thuyết chủ quyền thuộc về toàn dân ảnh hưởng trên tư tưởng của Sieyès. Chủ quyền đã thuộc về dân thì việc làm ra hiến pháp không phải là việc của một cơ quan nào mà là việc của toàn dân: từ đó lý thuyết về một “quyền lập hiến” được chế ra thành luật. Sieyès tóm tắt: “Hiến pháp bao gồm đồng thời: việc thành lập và tổ chức nội bộ các quyền lực khác nhau của nhà nước, mối tương quan tất yếu và sự độc lập giữa các quyền lực đó, và cuối cùng, những cảnh giác chính trị phải cẩn thận xây dựng chung quanh, để các quyền lực đó lúc nào cũng có ích lợi nhưng không bao giờ trở thành nguy hiểm. Đó là ý nghĩa chính xác của danh từ hiến pháp; ý nghĩa đó liên quan đến toàn thể quyền lực của nhà nước và sự phân chia những quyền lực đó”.
Từ đầu, ý tưởng của Montesquieu đã liên hệ rõ ràng khái niệm hiến pháp với khái niệm quyền lực hạn chế để chống lại quyền hành tuyệt đối, nghĩa là vô giới hạn và tùy tiện. Đến đây, việc phân quyền được xây dựng thành những nguyên tắc thành văn, tối thượng, mà mục đích là thiết lập những giới hạn minh bạch, ai cũng biết, về quyền lực của người cầm quyền. “Nếu quyền lực không có giới hạn, quyền lực tất yếu trở thành tùy tiện, và không có gì trực tiếp đối chọi với một hiến pháp bằng bạo quyền”, Mounier đã phát biểu như thế trong diễn văn đọc ngày 7-7-1789 trước Hội Đồng Lập Hiến. Ông là đại biểu lừng danh của giai cấp bình dân. Tư tưởng đó được viết chắc nịch như đinh đóng cột trong điều 16 của Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền: “Bất cứ xã hội nào trong đó các quyền không được bảo đảm và sự phân quyền không được tôn trọng, xã hội đó không có hiến pháp”.
Tác giả bài này muốn nói gì khi nhắc lại những kiến thức phổ thông trên đây? Duy nhất điều này thôi: lịch sử của khái niệm hiến pháp bắt đầu từ một khao khát: tự do; khao khát đó sẽ không bao giờ thực hiện được trước một quyền lực tuyệt đối; để quyền lực không phải là bạo lực, phải phân quyền; để sự phân quyền được rõ ràng, minh bạch, phải ghi thành luật, luật đó là tối thượng, là mẹ của mọi thứ luật khác. Nghĩa là: để định nghĩa hiến pháp là gì, đừng quên rằng bắt đầu quá trình là một ý tưởng chính trị và kết thúc là một văn bản luật pháp, từ đó mà quyết định cái gì là hợp pháp, cái gì là bất hợp pháp trong mọi hành động lập pháp và lập quy của các cơ quan nhà nước. Chỉ một ý đó thôi mà tác giả đã lặp đi lặp lại bao nhiêu lần: Hiến pháp là một ý tưởng chính trị được luật hóa vào một giai đoạn quan trọng nào đó của lịch sử để một trật tự chính trị trở thành chính đáng. Điều này bao gồm hai ý nghĩa: thứ nhất, trật tự chính trị nào cũng mượn danh nghĩa luật để trở thành một trật tự pháp lý; nhưng thứ hai, không luật pháp nào ban tính chính đáng cho một trật tự chính trị nếu luật đó không xuất phát từ nguyện vọng đích thực của nhân dân.
°°°
Hơn một thế kỷ rưỡi sau Cách Mạng, nước Pháp có ông tổng thống De Gaulle làm một hiến pháp mới – hiến pháp hiện tại – để chấm dứt một trật tự chính trị cũ, lập một trật tự chính trị mới, mở đầu Đệ Ngũ Cộng Hòa. Trong một cuộc họp báo quan trọng ngày 31-1-1964, ông định nghĩa hiến pháp trong một câu nổi tiếng: “Hiến pháp là một tinh thần, những định chế, một thực tiễn”. Quá đúng. Và bộc lộ ra được những gì tôi vừa trình bày ở trên.
Bất cứ hiến pháp nào trên thế giới đều có thể được đặt dưới một câu hỏi: “hiến pháp này được làm ra để thể hiện cái tinh thần gì vậy?” Dân chúng chỉ cần biết cái tinh thần ấy một cách tỏ tường và chân thật là đã có thể phát biểu ngay đó là hiến pháp của mình hay của ai. |
Một thực tiễn? Tất nhiên, vì hiến pháp phải được áp dụng để trở thành luật nói, nếu không thì là luật câm. Những định chế? Hiển nhiên, khỏi cần nói. Tôi chú trọng mấy chữ đầu: “một tinh thần”. Vậy tinh thần này là gì trong bối cảnh lịch sử đã làm hình thành hiến pháp ở Pháp và ở Mỹ? Tự do! Tinh thần này quyết định tất cả. Quyết định việc thành lập các định chế. Quyết định thực tiễn của pháp luật, cả luật mẹ lẫn luật con. Bất cứ hiến pháp nào trên thế giới đều có thể được đặt dưới một câu hỏi: “hiến pháp này được làm ra để thể hiện cái tinh thần gì vậy?” Dân chúng chỉ cần biết cái tinh thần ấy một cách tỏ tường và chân thật là đã có thể phát biểu ngay đó là hiến pháp của mình hay của ai.
Vậy thì dân chúng Việt Nam chờ đợi cái tinh thần gì được luật hóa trong hiến pháp? Một tinh thần phù hợp với giai đoạn hòa bình của đất nước, sau nhiều năm chiến tranh đòi hỏi con người phải hy sinh nhiều thứ, kể cả thứ quý nhất trong đời là tự do. Chiến tranh là tình trạng bất thường, hòa bình là chấm dứt tình trạng bất thường, là phải trả lại cho con người cái khao khát bức thiết nhất của con người ở muôn thuở và muôn nơi, là phải trả lại cho con người Việt Nam cái giá đã mua bằng máu, là phải thực hiện lời cam kết chói lọi trong Tuyên ngôn độc lập vinh quang: ai cũng biết, đó l�“quyền tự do”. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”: đó là tinh thần mà người dân chờ đợi luật hóa trong hiến pháp, một hiến pháp hoàn toàn mới, phù hợp với giai đoạn mới, giai đoạn hòa bình.
Tinh thần là như vậy, định chế sẽ thế nào? Tất cả những gì tôi nói trong bài này có thể tóm gọn trong hai chữ: ôn hòa. Quyền lực phải biết ôn hòa. Chính thể ôn hòa là chính thể tốt nhất. Đó là văn minh mà Âu châu thừa hưởng từ tư tưởng của Hy Lạp cổ đại. Montesquieu cũng chỉ là tiếp nối tư tưởng Aristote. Nhưng đó cũng chính là văn minh của Việt Nam, của tư tưởng Việt Nam, không hề độc đoán.
Đảng Cộng sản đã nhiều lần nêu vấn đề định nghĩa lại lãnh đạo. Đúng vậy, nhưng thế này thì hợp với mong mỏi hơn: định nghĩa lại lãnh đạo là thế nào để phù hợp với thời bình, thế nào để thực hiện lời cam kết “quyền tự do”. Đó là cứu cánh của chính trị. Đó là cứu cánh của quyền lực. Một quyền lực ôn hòa trong thời bình, khác với thời chiến tranh, khác với thời tranh đấu bí mật trước mùa Thu tháng Tám. Đó là tinh thần mới phải có trong hoàn cảnh mới của đất nước, cần thực sự đoàn kết toàn dân. Tinh thần đó sẽ quyết định tất cả mọi điều khác trong hiến pháp. Tinh thần đó, người dân khao khát chờ đợi từ lâu để được là tác giả của hiến pháp mới.
Dưới ảnh hưởng đó của tư tưởng luật hóa hiến pháp đến từ Mỹ, từ ngữ “luật căn bản” của Pháp được ngôn ngữ luật đưa lên địa vị tối thượng: hiến pháp là luật tối thượng, nghĩa là, rất cụ thể, cao hơn tất cả các luật khác và làm vô hiệu tất cả luật nào trái lại. Đây cũng là một sáng tạo tuyệt tác bắt nguồn từ một sự việc bình thường trước Tòa Án Tối Cao của Mỹ. Ông Marburry, được bổ nhiệm thẩm phán nhưng chờ mãi đến đáo hạn mà vẫn không nhận được giấy tờ bổ nhiệm. Ông kiện tổng thống Adams (mà người đại diện là bộ trưởng Madison) đòi gửi công văn bổ nhiệm. Ông Tòa Marshall xử rằng: kiện là đúng, nhưng đạo luật được viện dẫn ra để kiện là không hợp với hiến pháp, là vi hiến. Chuyện bình thường ở Mỹ. Nhưng là chuyện động trời trong lịch sử hiến pháp của Pháp vì Tòa Án dám xía vào lĩnh vực lập pháp để phán đúng hay sai. Cần nhấn mạnh vụ kiện danh tiếng Marburry chống Madison này ở đây để hiểu quá trình luật hóa hiến pháp và sức mạnh của tinh thần trọng pháp. Mười ba thuộc địa ở Mỹ phải nổi dậy để đòi truất bỏ những luật bất công. Khổng Mạnh ở ta ngày xưa cũng lao xao với sĩ tử rằng nước có thể lật thuyền… Suy diễn bài học từ ông Tòa Marshall, luật pháp có chức năng và khả năng giải quyết tranh chấp chính trị một cách hòa bình, khỏi cần gươm dáo, mà cũng khỏi phải lội nước lật thuyền. |
Chú thích:Một số câu trích dẫn đặt trong ngoặc kép là lấy từ: Olivier Beaud, L’Histoire du concept de constitution en France. De la constitution politique à la constitution comme statut juridique de l’Etat, Jus politicum, Vol. 2, Juin 2010. Có thể đọc trên mạng: